Đó là phát biểu của đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐB Quốc hội (QH) Đà Nẵng, khi cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 tại phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp chiều qua (5-9).
1,1 triệu người kê khai, phát hiện ba vi phạm
Trình bày báo cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết kết quả PCTN thời gian qua đã có tác đụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. “Tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi…” - ông Huẩn nói.
Ông Huẩn cho biết số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỉ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Trong đó có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập (ở các bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Công Thương; Hà Nội, Yên Bái, Đồng Nai). Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý ba trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Ông Huẩn cũng cho hay năm 2017 có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật như tỉnh Kiên Giang với chín người, An Giang bốn người, Hậu Giang ba người, Bộ Tài chính hai người… “Trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận” - ông Huẩn nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH
“Nếu thế thì tôi đã thành đại gia”
ĐB Nguyễn Bá Sơn, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng, cho rằng có nhiều vấn đề tồn tại từ lâu không thấy nêu trong báo cáo như hàng loạt vụ việc quan chức xây biệt thự, biệt phủ dư luận nêu ra thời gian qua.
“Cán bộ xây biệt phủ khi có vấn đề, cơ quan thanh tra vào cuộc, cán bộ có những giải thích coi thường dư luận. Giải thích như bán chổi đót, đi nuôi heo mà có biệt phủ chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường nhân dân. Nếu giải thích thế thì cách đây 30 năm tôi thành đại gia rồi. Là công bộc của nhân dân mà thái độ trả lời trước dư luận thế thì chắc nên cho nghỉ việc chứ không nên để tồn tại” - ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho rằng nguyên nhân của tham nhũng là ý thức của chính người cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng. “Báo cáo đánh giá chưa nói gì, tham nhũng là do lỗi cố ý nhưng chưa đánh giá gì ở phía họ” - ông Bộ nhận xét.
Theo ông Bộ, một trong những cái yếu nhất dẫn tới tham nhũng, từ tham nhũng chính trị, tham nhũng quyền lực đẻ ra tham nhũng kinh tế là bản chất công tác cán bộ ở nhiều nơi làm không chuẩn. “Cái yếu nhất là bổ nhiệm chức vụ theo tình cảm cá nhân của người được giao quyền bổ nhiệm. Cho nên thực tế nhiều người tiêu chí cao hơn nhưng không được bổ nhiệm, còn người được bổ nhiệm có lót tay, chạy chức chạy quyền nên đương nhiên sau khi ngồi vào ghế đó họ sẽ tìm cách thu lại, dẫn đến tham nhũng” - ông Bộ phân tích.
Cần chỉ rõ địa chỉ tham nhũng
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là báo cáo rất quan trọng, được trình ra QH tại kỳ họp cuối năm này. Theo ông Lưu, bối cảnh PCTN năm 2017 có những điểm mới, tích cực, khác so với những năm trước đây như công tác PCTN đã làm quyết liệt, có nhiều kết quả nổi bật; nhiều vụ đại án nghiêm trọng được đưa ra xét xử với những mức án nghiêm minh; nhiều dự án gây thất thoát, lãng phí lớn cũng được làm rõ…
“Tuy nhiên, báo cáo quá cô đọng, chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng của nước ta… Ở đây có bảy nhóm nguyên nhân tham nhũng. Nhưng nguyên nhân chính cơ bản làm tình hình tham nhũng phức tạp là vấn đề gì thì chưa nói được. Giờ chúng ta cứ đổ cho nguyên nhân thể chế thì phải xem lại. Có phải do chủ trương, pháp luật của ta thiếu nhiều, sơ hở nên dẫn đến tham nhũng, tôi nghĩ không phải. So với các nước trong khu vực, pháp luật PCTN của ta khá đầy đủ. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện và kỷ luật, kỷ cương không nghiêm minh. Khâu yếu nhất là khâu thực hiện pháp luật, kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa hiệu quả…” - ông Lưu nói.
Ông Lưu nhận định: “Thực trạng tham nhũng hiện diễn ra “tinh vi, phức tạp, giằng xé rất nhiều quan hệ, nhóm lợi ích”. Cho nên nếu không mạnh dạn đi vào thực chất vấn đề thì cũng lặp đi lặp lại giống các báo cáo của những năm trước. Chúng ta phải tìm được cái đột phá để trả lời với dư luận, nhân dân. Chỉ rõ địa chỉ nơi nào, người nào. Như thế mới có tính thực chất, răn đe”.
Chung quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Báo cáo mà lại không chỉ rõ tổ chức, cá nhân, cơ quan nào vi phạm thì báo cáo đó thiếu tính răn đe, thiếu mạnh mẽ. Đề nghị các đồng chí xem xét lại, bổ sung vào báo cáo, phụ lục”.
Theo báo cáo, các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỉ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỉ đồng, 314.000 USD, bốn căn nhà, một căn hộ chung cư. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỉ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng. |