Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực từ hôm nay, ngày 1-7.
Cụ thể, theo Điều 85 của Luật này quy định: "Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo".
Với quy định này, việc hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên vẫn được duy trì như quy định trong Luật Giáo dục năm 1998 đến nay. Việc này nhằm thu hút người giỏi vào ngành này cũng như sẽ ràng buộc hơn về công việc sau khi ra trường chứ không còn thả nổi như trước đây, gây thất thoát ngân sách.
Do đó, với quy định mới này, sinh viên sư phạm muốn được miễn học phí phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục.
Các cô giáo cho trẻ ăn trưa tại một lớp nhà trẻ ở quận Bình Tân, TP.HCM . Ảnh: PHẠM ANH
Một điểm mới đáng chú ý khác của Luật giáo dục sửa đổi lần này là từ nay, ngành giáo dục sẽ không tuyển dụng giáo viên có bằng trung cấp.
Theo đó, ở điều 72 của Luật Giáo dục 2019 sửa đổi này, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Điểm mới này sẽ thay thế cho quy định về trình độ chuẩn của giáo viên các cấp đang được quy định tại Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009.
Tức từ đó đến nay, nội dung này quy định: Giáo viên mầm non và tiểu học phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm; Giáo viên THCS là bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; Giáo viên THPT phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;…
Với thay đổi này, ngành giáo dục sẽ không còn tuyển dụng giáo viên chỉ có bằng trung cấp sư phạm. Việc này cũng đã bắt đầu thực hiện trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay khi Bộ GD&ĐT đã quyết định sẽ ngưng tuyển sinh hệ trung cấp mầm non ở các cơ sở đào tạo.