Người bệnh được lợi từ những sáng tạo trong điều trị ung thư lưỡi và glôcôm

(PLO)- Bệnh nhân ung thư lưỡi được phục hồi chức năng nói và người bị glôcôm giảm nguy cơ mù lòa nhờ những sáng tạo trong điều trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện (BV) của TP vừa được trao bảy giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần ba năm 2023. PLO xin giới thiệu hai sản phẩm y tế đạt giải cao.

Giải nhất: Phục hồi chức năng nói và nuốt cho bệnh nhân ung thư lưỡi

Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư của BV Ung bướu TP.HCM đạt giải nhất về lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Đề tài được thực hiện bởi TS-BS Nguyễn Anh Khôi, BS Nguyễn Anh Tuấn, BS Nguyễn Quốc Cẩn và BS Lê Hùng Khương.

Ung thư lưỡi là dạng thường gặp của ung thư hốc miệng. Mỗi năm, BV Ung bướu TP.HCM tiếp nhận từ 150 đến 200 ca ung thư lưỡi mới phát hiện. Độ tuổi từ 61 đến 70 thường mắc căn bệnh này với tỉ lệ 1,7 nam/1 nữ. Do hầu hết nhập viện trễ (giai đoạn 4 và 5 chiếm 61,60%) nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM đang khám cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM đang khám cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Phẫu thuật cắt rộng bướu nguyên phát là phương pháp luôn được lựa chọn. Tuy nhiên, đa phần trường hợp phẫu thuật sẽ tạo khuyết hổng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng nói và nuốt.

Do vậy, BV Ung bướu TP.HCM đưa ra phương pháp tạo hình khuyết hổng để hồi phục các chức năng lưỡi cho bệnh nhân” – TS-BS Khôi cho biết.

Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi là bước tiến mới trong điều trị ung thư tại Việt Nam.

Năm 2010, dưới sự hỗ trợ chuyên môn vi phẫu của BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, các BS của BV Ung bướu đã thực hiện thành công những ca phẫu thuật vi phẫu tạo hình lưỡi đầu tiên.

Đến nay, BV này tiếp nhận hầu hết ca ung thư đầu cổ cần được tái tạo bằng kỹ thuật vi phẫu ở khu vực phía Nam.

“Phẫu thuật tái tạo khuyết hổng rất phức tạp, mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự kết hợp giữa phẫu thuật cắt bỏ với phẫu thuật tái tạo. Tuy nhiên, tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi có tỉ lệ thành công cao, đạt 96,70% và tỉ lệ biến chứng không đáng kể.

Phẫu thuật tạo hình lưỡi giúp phục hồi chức năng nuốt và nói tốt hơn, giảm đau và khắc phục tình trạng hôi miệng do khối ung thư lưỡi đem lại” – TS-BS Khôi chia sẻ.

Giải nhì: Giảm biến chứng mù lòa cho bệnh nhân glôcôm

Giải nhì về lĩnh vực khoa học kỹ thuật được trao cho đề tài Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr của TS-BS Phạm Thị Thủy Tiên, BS Đỗ Quốc Hiệp, BS Lê Nhật Minh, BS Lâm Hoàng Yến, cử nhân điều dưỡng Nguyễn Trọng Lộc và cử nhân công nghệ thông tin Hồ Phương Thanh Tài thuộc BV Mắt TP.HCM.

Bệnh glôcôm là nguyên nhân thứ hai sau đục thủy tinh thể, dẫn đến tình trạng mất thị lực hoàn toàn. Đa phần không biết đang bị glôcôm cho đến khi thị lực bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa được biến chứng mù lòa do glôcôm nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bác sĩ BV Mắt TP.HCM đang sử dung phần mềm EyeDr để khám bệnh nhân bị glôcôm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Bác sĩ BV Mắt TP.HCM đang sử dung phần mềm EyeDr để khám bệnh nhân bị glôcôm. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Hiện tỉ lệ phát hiện sớm bệnh glôcôm ở nước ta còn thấp do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời. Trước đây, để khám tầm soát một ca bệnh glôcôm, BV phải bố trí nhiều nhân lực để thực hiện và người bệnh phải chờ từ 15 đến 20 phút mới hoàn tất công đoạn chẩn đoán bệnh.

Sau khi ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr, người bệnh khám tầm soát glôcôm chỉ mất 8 đến 10 giây là có kết quả chụp ảnh màu gai thị” – TS-BS Tiên nói.

Nói về sự ra đời của phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr, TS-BS Tiên cho biết từ kho dữ liệu hình chụp đáy mắt cũ, BV Mắt TP.HCM nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển thành phần mềm EyeDr. Phần mềm này được sử dụng cho người trên 40 tuổi và có những yếu tố nguy cơ như cận thị nặng, viễn thị nặng, tiền sử gia đình có người mắc glôcôm, đái tháo đường, cao huyết áp…

“Phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr đã được đưa vào tầm soát bệnh glôcôm trong cộng đồng. Trong 100 người được thực hiện tầm soát bệnh glôcôm bằng phần mềm nói trên, BV phát hiện tỉ lệ mắc là 28%. Điều đáng nói nhân viên y tế phục vụ khám tầm soát bằng ứng dụng EyeDr chỉ 7 so với 30 nếu tầm soát trực tiếp” – TS-BS Tiên cho biết thêm.

Độ nhạy và độ đặc hiệu của ứng dụng EyeDr cao, lại dễ thực hiện nên BS nhãn khoa không cần thiết phải là chuyên gia glôcôm hoặc đáy mắt vẫn có thể tầm soát phát hiện sớm bệnh lý đáy mắt tại các trạm y tế, trung tâm y tế, BV công lập và ngoài công lập.

“Phần mềm EyeDr hiện đã được nâng cấp thêm phần đặc điểm nhãn áp để giúp phát hiện những người tăng nhãn áp giai đoạn sớm chưa có biểu hiện tổn thương ở đĩa thị. Điều này góp phần giúp BV Mắt TP.HCM tăng cường các hoạt động khám tầm soát để phát hiện sớm bệnh lý glôcôm và giảm tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng” – TS-BS Tiên thông tin.

5 đề tài còn lại được giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần ba năm 2023

1. Giải nhì (lĩnh vực quản lý nhà nước): “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM” của BV Hùng Vương và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM.

2. Giải ba (lĩnh vực quản lý nhà nước): “Xây dựng khung năng lực - giải pháp chi trả lương 3P ở một đơn vị sự nghiệp công lập” của BV Nhi đồng TP.

3. Giải ba (lĩnh vực quản lý nhà nước): “Ứng dụng chỉ số KPI – BSC trong đo lường hiệu quả hoạt động của BV” của BV Nhi đồng TP.

4. Giải ba (lĩnh vực khoa học kỹ thuật): “Phẫu thuật bảo tồn tử cung trong điều trị bệnh lý thai kỳ có nhau cài răng lược” của BV Hùng Vương.

5. Giải ba (lĩnh vực khoa học kỹ thuật): “Khảo sát bệnh tồn lưu tối thiểu trong bệnh bạch cầu cấp dòng Lympho B ở trẻ em” của BV Truyền máu Huyết học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm