Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn và kiêng ăn gì để hồi phục sức khỏe?

(PLO)- Người bệnh sốt xuất huyết cần bù nước và ăn thực phẩm loãng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) những ngày qua, các ca bệnh nhập viện điều trị sốt xuất huyết đang gia tăng.

Người bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao, mệt mỏi, nhiều trường hợp chuyển biến nặng do không điều trị kịp thời có thể đối diện với nguy cơ tử vong. Do đó, ngoài việc tuân phác đồ điều trị của bác sĩ, thì người bệnh cũng cần đảm bảo dinh dưỡng, để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Theo Chuyên gia dinh dưỡng - BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bị sốt xuất huyết cần đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng sau:

Bù nước

Theo vị chuyên gia này, do đặc tính của bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống sẽ kém đi. Đặc biệt, một số trường hợp người bệnh bị sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu, cho nên trong chế độ ăn uống cho người sốt xuất huyết quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol.

Người bệnh có thể uống thêm các loại nước như nước trái cây, nước hoa quả ép như cam, ổi, dừa... chứa nhiều chất khoáng và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn, từ đó giảm tình trạng bệnh.

Ăn thức ăn loãng

BS Lê Thị Hải khuyến cáo, bệnh nhân cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như cháo, soup vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. "Không nên ép người bệnh ăn cơm, đồ cứng khó nuốt"- BS Hải khuyên.

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn các thực phẩm dạng lỏng. ẢNH: TƯỜNG VY

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn các thực phẩm dạng lỏng. ẢNH: TƯỜNG VY

Đặc biệt với trẻ em bị sốt xuất huyết, BS Hải cho biết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất. Nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Đồng thời phụ huynh cần tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa… thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh sốt xuất huyết.

Ngoài ra khi trẻ bị sốt xuất huyết, nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường thì cần tuân thủ theo chế độ ăn bình thường. Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, tùy theo độ tuổi của trẻ mà có cách ăn "trả bữa" đúng cách. Điều này có nghĩa là trẻ bú mẹ thì mẹ phải tăng cường dưỡng chất, nếu trẻ ăn dặm thì ăn "trả bữa" bổ sung cho bé để bù lại lượng dinh dưỡng bị mất đi trong thời gian bé ốm.

"Thời gian mới ốm dậy, trẻ có thể ăn chưa ngon miệng, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn ra, cho ăn các loại cháo, soup bù năng lượng thiếu hụt, tăng số bữa lên… Phụ huynh cần kiên trì luân phiên thay đổi món ăn, nấu các món hợp khẩu vị trẻ. Bên cạnh đó cần ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất... giúp trẻ tăng cường sức khỏe"- BS Hải đưa ra lời khuyên.

Hạn chế thực phẩm chiên, xào

BS Hải cho biết, với người bệnh sốt xuất huyết cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu.

Hiện bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vaccine phòng ngừa, do đó, bác sĩ lưu ý người dân chủ động phòng chống dịch, bằng cách diệt muỗi vằn và loăng quăng - đường lây truyền bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần tránh bị muỗi đốt, như ngủ trong mùng kể cả ban ngày, sử dụng kem đuổi muỗi.

Đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với tuần trước, 30 trường hợp tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm