Tối 25-8, Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh chính thức được khai mạc tại huyện Cầu Kè.
Festival là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị của dừa sáp và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường trong nước và thế giới.
Đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh
Theo tài liệu lưu giữ, cách đây 100 năm (vào năm 1924) Hòa thượng Thạch Sô đã mang giống dừa từ nước ngoài về trồng tại huyện Cầu Kè và nơi đầu tiên cây dừa sáp được trồng là chùa Botumsakor.
Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của vùng đất Cầu Kè nên cây dừa đã cho trái sáp và qua quá trình bảo tồn, phát huy giá trị, dừa sáp đã trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Trà Vinh.
Bề ngoài, dừa sáp cũng giống như những trái dừa bình thường khác, tuy nhiên bên trong có lớp cơm dừa sáp dày, mềm, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc. Dừa sáp Cầu Kè là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam.
Đặc biệt mới đây, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là “Cây Dừa Việt Nam”.
Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm quả dừa sáp Trà Vinh; nhãn hiệu chứng nhận Dừa sáp Trà Vinh cho giống dừa sáp giống và logo chỉ dẫn địa lý hướng tới xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu “Trà Vinh” cho sản phẩm dừa sáp của tỉnh ra thị trường nước ngoài.
Phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - ông Lê Văn Hẳn cho biết trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản. Bên cạnh đó, Trà Vinh đề ra những định hướng để xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh với sáu mục tiêu.
Trong đó, Trà Vinh hướng đến quy hoạch vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Bên cạnh đó đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển vùng trồng dừa sáp. Áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỉ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tỉnh cũng sẽ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nhất là thông tin truyền thông, khai thác các kênh bán hàng để quảng bá sản phẩm đặc trưng của miền đất Trà Vinh cho khách hàng trong và ngoài nước…
“Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh được tổ chức nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết doanh nghiệp với hộ trồng dừa, qua đó đảm bảo liên thông các khâu sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn đáp ứng xuất khẩu; gia tăng giá trị cho sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho dừa sáp” - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 25-8 đến 31-8 (nhằm ngày 22 đến 28-7 âm lịch).
Toàn tỉnh Trà Vinh có 318 sản phẩm đạt OCOP. Trong thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển hàng trăm sản phẩm có giá trị liên quan đến cây dừa. Riêng đối với dừa sáp, có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao (dừa sáp sợi).