Làm giàu bằng trái dừa sáp

Vì tiếc những trái dừa giá trị hàng chục ngàn đồng bị bán với giá chỉ vài ngàn đồng, anh Thạch Phu My, xã Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) quyết định đi tìm và gầy dựng thương hiệu dừa sáp quê nhà.  

Tiềm năng kinh tế của trái dừa lạ

Đến nay, anh My không chỉ trở thành chủ thầu cung cấp giống dừa sáp cho dự án phát triển vùng dừa sáp đặc sản địa phương mà anh còn là phó chủ nhiệm của Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân. Theo anh My, trái dừa sáp đã có lâu đời, thế nhưng trước đây rất ít người biết đến giá trị của nó. Khi đó, nhiều người bán dừa sáp trộn chung với dừa khô với giá rẻ như bèo. “Cò” dừa biết chiêu nên thường hay mua dừa sáp giá rẻ. Thấy được điều vô lý này, anh My nghĩ cần phải thành lập doanh nghiệp kết nối bà con trồng dừa lại với nhau để phát triển giống dừa quý.

Làm giàu bằng trái dừa sáp ảnh 1

Một lượng lớn cây giống được anh My ươm tại nhà chỉ để bán lại giá rẻ cho bà con nghèo. Ảnh: BÁ HUY

Tuy nhiên, để phát triển thương hiệu thì phải có người trồng, trong khi đó không có người ươm giống và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Vậy là vào khoảng năm 2004, anh My quyết định đầu tư ươm giống dừa quý. “Nhưng thời đó về kỹ thuật ươm dừa sáp rất khó, mà mình lại mới vào nghề, chưa biết kỹ thuật. Mình phải rày đây mai đó mua từng trái dừa sáp về ươm, rồi đi học hỏi kỹ thuật khắp nơi” - anh My cho biết.

Khi thành công, anh âm thầm mua dừa về ươm giống để bán cho những ai có nhu cầu, đồng thời đề xuất với xã thành lập hợp tác xã dừa sáp. Nhưng thời đó, đa số nông dân chỉ mê nhãn cơm vàng. Sau đó, cây nhãn rớt giá, nhiều nông dân đốn nhãn để trồng cây khác. Lãnh đạo xã Hòa Tân bắt đầu quan tâm đến mô hình ươm dừa sáp giống của anh My và khuyến khích nông dân đầu tư trồng dừa sáp.

Năm 2006, khi dự án hỗ trợ nông dân trồng 6 ha dừa sáp ở Hòa Tân xuất hiện, những cố gắng của anh My mới thành hiện thực. Anh được chọn hỗ trợ giống cung cấp cho dự án. Sau đó, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo thực hiện dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp tại xã Hòa Tân từ năm 2008 đến năm 2010. Anh My tiếp tục hỗ trợ trong quá trình ươm giống. trong năm 2008, anh đã ươm gần 2.000 cây dừa sáp giống cho nhiều bà con trong xã. 

Hành trình tìm đầu ra cho giống dừa quý

“Hợp tác xã sẽ quy hoạch ra vùng rộng lớn hơn, ngoài ra sẽ tổ chức thu mua gom dừa cho bà con với giá “chắc cú” mà không sợ sự lên xuống thất thường của thị trường. Cụ thể như hợp tác xã mua trong dân 70-80 ngàn đồng/trái dừa sáp. khi chưa có hợp tác xã, giá dừa sáp được thương lái mua chỉ 30-50 ngàn đồng/trái” - anh My cho hay.

Hiện nay, bình quân mỗi tháng hợp tác xã mua khoảng 1.000 trái dừa sáp cung cấp cho thị trường TP.HCM. Theo tính toán của anh My, dừa sáp trồng đến năm thứ năm thì cho trái. hiện tại một số hộ đã có gần 40 cây dừa sáp, cho khoảng 100 trái mỗi mùa, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng. Đó là chưa kể đến nguồn lợi cực lớn từ trái dừa giống. 

Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè, cho biết: “Cây dừa sáp đang có nhiều triển vọng phát triển. Đặc biệt khi xây dựng được thương hiệu và đăng ký độc quyền nhãn hiệu, chắc chắn nhiều bà con nghèo sẽ nhờ cây dừa sáp mà phất lên rất nhanh. Hiện tại toàn xã Tân Hòa đã có hơn 13.000 cây dừa và số lượng sẽ còn tăng hơn nhiều vì thị trường hiện nay quá lớn”.

Anh My cho biết cuối cùng mong muốn của anh đã thành sự thật khi thành lập được doanh nghiệp phát triển cây dừa đặc sản quê hương. Hợp tác xã kinh tế của anh My còn tổ chức phát triển thêm du lịch, thu hút được một lượng khách rất lớn về Tân Hòa để tham quan giống dừa lạ.

Anh cũng cho biết anh đang chuẩn bị hồ sơ đi đăng ký nhãn hiệu độc quyền cây dừa độc đáo này. Ngoài ra, anh cũng đang cùng các nhà khoa học triển khai lai thử các loại cây dừa cho trái toàn sáp (hiện tại mỗi cây dừa sáp chỉ cho khoảng 30%-40% trái sáp). Ngoài việc sở hữu số lượng dừa giống lớn, bản thân anh My cũng đã trồng được gần 40 cây dừa và sắp vào mùa thu hoạch.

Theo các tài liệu khoa học, dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Giống dừa này trồng khoảng bốn năm có thể thu hoạch, càng về lâu càng sai trái. Dừa sáp cũng giống như các loại dừa khác ở nước ta nhưng dừa sáp có lớp cơm màu trắng choán hết cả phần ruột, giống như sáp đèn cầy, chính giữa là chất lỏng sệt như nước cơm chắt.

Loại dừa bình thường thì dày cơm, gõ nghe tưng tưng, tiếng trong, còn loại dừa sáp gõ nghe lộp bộp, tiếng trầm.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm