Chiều 12-8, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại Trà Vinh, với quy mô cấp tỉnh mở rộng, có sự tham gia của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
“Sự kiện đặc biệt này nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới; tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch với mong muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin.
Bên cạnh đó, sự kiện Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 nhằm tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Trà Vinh, cho biết dừa sáp Trà Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và sẽ trao quyết định vào đêm khai mạc.
Trong khuôn khổ Festival 100 năm Dừa sáp còn diễn ra hội thảo về cây dừa sáp vào chiều 26-8. Hội thảo này sẽ đánh giá thực trạng và tiềm năng dừa sáp bản địa Cầu Kè; phân tích, tìm ra giải pháp khả thi để phát triển cây dừa sáp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh trong khu vực (Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh... những nơi có trồng cây dừa sáp cấy phôi hiện nay).
Ngoài ra còn có nhiều hoạt động hấp dẫn khác như trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon của huyện Cầu Kè; hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”.
Chương trình khai mạc Tuần lễ Vu lan thắng hội gắn công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL chứng nhận Lễ hội Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tổ chức vào tối 27-8 tại Quảng trường huyện Cầu Kè.
Trong khuôn khổ chương trình khai mạc Tuần lễ Vu lan thắng cũng có nhiều sự kiện nổi bật như các hoạt động tín ngưỡng Ông Bổn (diễn ra từ ngày 27 đến 31-8); hội chợ thương mại (ngày 25 đến 31-8) với quy mô trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; liên hoan lân sư rồng (ngày 28 đến 29-8) với sự tham gia của 15 câu lạc bộ lân sư rồng trong tỉnh, TP.HCM và các tỉnh thành bạn…
Không phải vùng đất nào cũng trồng được dừa sáp
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, trong gần 20 năm trở lại đây (2005-2024) diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng rất nhanh (từ 43 ha năm 2005, lên 170 ha năm 2017) và đạt 1.277,6 ha (tương đương khoảng 250.000 cây dừa) năm 2024, chiếm 4,67% diện tích dừa sáp chung của toàn tỉnh.
Trong đó, có khoảng 70 ha dừa sáp được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỉ lệ sáp trên mỗi buồng dừa); tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,54% tương đương mỗi năm trồng mới khoảng 65 ha.
Hiện, diện tích dừa sáp đang cho trái là 903,35 ha (tương đương khoảng 180.000 cây dừa).
Dừa sáp ở Trà Vinh được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (1.145,7 ha) và trồng rải rác tại một số huyện khác của tỉnh. Trước đây, không phải vùng đất nào cũng trồng được cây dừa sáp, chỉ riêng Trà Vinh, đặc biệt tại huyện Cầu Kè - nơi khởi phát cây dừa sáp ở Việt Nam, là trồng được loại dừa này. Tuy nhiên, hiện nay dừa sáp đã được trồng ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL.
Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có 05 giống dừa sáp được trồng phổ biến, gồm: sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh, sáp vỏ vàng.
Về năng suất, dừa sáp thường tỉ lệ cho sáp từ 20-30% trong tổng số trái trên 01 buồng, bình quân mỗi năm cho khoảng 20-25 trái/cây. Đối với dừa sáp nuôi cấy phôi tỉ lệ cho sáp từ 75-80% trong tổng số trái trên 01 buồng, bình quân mỗi năm cho khoảng 55-60 trái/cây.
Song song với việc tăng diện tích thì sản lượng cũng tăng lên rất nhanh 3.164.408 trái dừa sáp năm 2024, bình quân mỗi năm tăng 18,86% (tương đương tăng khoảng 160.300 trái/năm), trong đó: dừa sáp loại I chiếm khoảng 55%.
Dừa sáp có giá cao gấp 10 lần dừa thường, từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp đã tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam. Giá dừa sáp hiện nay dao động từ khoảng 70.000-120.000 đồng/trái, tùy theo chất lượng và thể tích trọng lượng trái. Mỗi năm 1 cây dừa sáp thường (25 trái) cho giá trị tương đương 2 triệu đồng; dừa sáp nuôi cấy phôi (60 trái) tương đương 4,8 triệu đồng.