Người dân Long An đội mưa đi chùa xem cải lương

Tại đây người dân được nghe diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, nói về văn hóa cổ truyền và những tấm gương hiếu thảo trong lịch sử Việt Nam.

 Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ, nói về văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Diễn giả Hồ Nhựt Quang  chiến tranh kéo dài, phương Bắc đô hộ cả ngàn năm, sau đó là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; với thời gian tàn phá khốc liệt như thế, tưởng chừng văn hóa cổ truyền bị tiêu diệt. Tuy nhiên, điều may mắn là người Việt  vẫn còn giữ rất nhiều phong tục, tập quán cao đẹp, ăn sâu vào tâm thức con người, nhờ đó mà văn hóa trường tồn. Đời Hùng Vương có tục lệ trầu cau, cau bao nhiêu trái trầu bao nhiêu lá, chữ Hòa, lễ mách miếng, đám giỗ cúng kính thế nào, chuyện Đông Bình Tây Quả...

Thầy Thích Huệ Tĩnh - Trụ trì chùa Phước Long giao lưu cùng các nghệ sĩ Xuân Lan, Tú Quyên, Long Hồ(từ trái sang).

Ngoài việc nhân dân ta biết giữ tốt phong tục, tập quán xưa, còn có nhiều nhân vật xuất chúng thuở sanh tiền sống trọn trung vẹn hiếu, giữ phẩm hạnh cao quý.

Chẳng hạn, Thiền sư Tuệ Tĩnh mồ côi cha mẹ năm lên sáu tuổi, được sư trụ trì chùa Giao Thủy tại thôn Cẩm Vân (Hải Dương) đưa về nuôi dạy. Cuối thế kỷ 14, nước ta bị dịch bệnh đậu mùa hoành hành khiến nhiều người chết, vị trụ trì cưu mang ông cũng qua đời. Ông thiết nghĩ “người Nam chắc chắn phải có thuốc trị cho người Nam”, sau một thời gian nghiên cứu ông đã chữa được rất nhiều bệnh từ thảo dược phương Nam.

Năm 21 tuổi, ông đỗ Thái Học Sinh, được làm quan ngự y. Tuy nhiên, ông cảm thương cho dân nghèo đang lầm than bởi nhiều căn bệnh bên ngoài nên ông đã xin về quê để mở phòng mạch cứu đời. Năm 1385 ông bị bắt cống nạp cho Trung Quốc. 300 năm sau, vào năm 1690, ông Nguyễn Danh Nho - khâm sứ của nước ta sang Giang Nam công tác và viếng mộ Thiền Sư, bất ngờ trước tấm bia ghi rằng dòng chữ “Sau này có ai sang, xin đưa tôi về Việt Quốc”.

Hay Thiền sư Thích Nhất Định, sinh năm 1784 tại Thừa Thiên-Huế, thuở xưa lúc mẹ ông còn sanh tiền, bệnh nặng quá rất yếu, lang y bảo chỉ có thể cứu sống bằng cách cho ăn cháo cá mới sống được. Thế là tự ông xuống Bến Ngự mua cá về nấu cháo cho mẹ. Vua Thiệu Trị biết được việc này rất cảm động nên ban sắc phong “Sắc tứ từ hiếu tự”.

Một dẫn chứng khác, trường hợp Đức thánh Trần Hưng Đạo đã vượt lên những định kiến của Nho giáo cực đoan quy định “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (tạm dịch: Cha bảo con chết, con phải chết mới là con có hiếu).

Chuyện vào năm 1237, chỉ huy sứ Trần Thủ Độ bắt mẹ ông lấy em chồng là vua Trần Thái Tông gây cảnh loạn luân gia tộc, khiến cha ông là Trần Liễu uất ức qua đời. Trước lời di huấn yêu cầu trả thù cho cha lúc lâm chung, ông đã suy tính thận trọng giữa thù nhà và nợ nước. Cuối cùng là bỏ hiềm xưa, đặt chữ Trung lên hàng đầu bằng cách đoàn kết gia tộc tạo nên sức mạnh giữa chính quyền và nhân dân để chống giặc cứu nước. Ông xứng đáng là Đức Thánh Trần vì luôn lấy hạnh phúc an sinh của dân làm trọng, đặt trọng trách bảo vệ yên bình của non sông lên hàng đầu. Nhờ vậy cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông ba lần đã tạo nên sự vẻ vang hùng tráng của hào khí Đông A.

“Rõ ràng từ phong tục tập quán, từ những tấm gương danh nhân biết giữ gìn Hiếu-Nghĩa đã làm cho bản sắc cao đẹp của dân tộc không bị mất đi, trở thành bài học quý cho muôn đời sau” - diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.

Người dân Tân Thạnh háo hức chụp ảnh cùng các nghệ sĩ.

Cũng trong đêm diễn, nhiều tác phẩm do chính diễn giả Hồ Nhựt Quang sáng tác lần lượt được trình diễn mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem như Chuông chùa Tân Thạnh, Thái hậu Dương Vân Nga, Tòa sen Nhân Thế, Quang Trung hoàng đế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm