Mở đầu chương trình, diễn giả Hồ Nhựt Quang, Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ, đã trình bày nguồn gốc của chiếc lồng đèn Trung thu, trăng Trung thu, bánh Trung thu, hình ảnh cây đa bến nước... cũng như vài nét về chiếc lồng đèn của các nước trên thế giới.
Tiết mục tái hiện câu chuyện chú Cuội cung trăng qua một sáng tác của diễn giả Hồ Nhựt Quang.
Theo đó, đèn Trung thu Việt Nam thường là đèn xếp theo hình quẻ Thiên Trạch Lý (quẻ thứ 10 trong Kinh dịch). Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê có giải thích quẻ Lý tượng trưng lễ nghĩa. Vì thế, đèn Trung thu ngoài ý nghĩa là đồ chơi cho trẻ em còn là phương pháp giáo dục về lễ nghĩa nhân sinh.
Trăng Trung thu cũng nhắc ta nhớ mùa thu tháng 8-1945. Cây đa vốn có tên Hán tự là Đa Căn Mộc (cây nhiều rễ), hình dáng cũng giống như tình đoàn kết, chống đỡ tương thân tương ái của dân tộc ta. Vì thế hình ảnh "cây đa - bến nước - sân đình" trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt.
Đoàn diễu hành vui nhộn mang không khí tôn vương của lễ Đại Bội ở đình làng.
Nói về bánh Trung thu, diễn giả Hồ Nhựt Quang cắt nghĩa, bánh Trung thu Việt Nam rõ ràng nhất về hình ảnh và ý nghĩa vì có hình vuông tượng trưng mặt đất hoặc hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Khi cắt bánh ra có màu hổ phách sáng đẹp như ánh sáng đêm rằm và có lòng trứng đỏ tượng trưng hình mặt trăng. Lòng trứng đỏ còn tượng trưng lòng son sắc về tình yêu quê hương đất nước trong văn hóa truyền thống Việt Nam ta.
Đèn Trung thu của Trung Quốc thường có hình lục giác, nhiều tầng như địa văn hóa của thảo nguyên đồi núi Trung Hoa và ý cầu tài lộc. Thái Lan thì có hình hạt gạo như loại hình cầu mùa, thường là loại đèn gió. Đèn Trung thu Hàn Quốc thường có màu sắc là dạng màu hòa tính như cam, xanh lục, tím... tượng trưng đức tính dung hòa. Đèn Trung thu Nhật Bản có hình vuông và mang màu sắc của thiên nhiên vào thu, trang trí lá phong đỏ, lá ngô đồng vàng..., treo cờ cá chép tượng trưng ý chí tinh thần nâng cao như tích cá vượt vũ môn để thành rồng.
Chiếc đèn Trung thu của tuổi thơ cho ta bài học quý báu về cách ứng xử ở đời. Biết giữ lửa cho ngọn đèn sáng như giữ lửa nhiệt huyết của tâm hồn, giữ ý chí và nghị lực vững bước giữa đường đời, như giữ cho ngọn đèn sáng mãi trước cơn gió mạnh.
Ngoài ra, các em còn được xem phần tái hiện câu chuyện chú Cuội cung trăng qua một sáng tác của diễn giả Hồ Nhựt Quang, dựa theo truyện cổ tích nhưng có chút biến tấu vừa vui nhộn, đồng thời lồng ghép vào đó là những bài học cho các em thêm yêu môi trường sống, nâng cao ý thức văn minh tôn trọng luật pháp, trọng nhân nghĩa.
Tiếp đến là phần trình diễn tác phẩm Quang Trung hoàng đế nhắc một sự tích về điệu hát Trống Quân, năm 1788 khi vua Quang Trung tiến ra Bắc Hà kháng chiến chống quân Thanh. Trên đường đi, binh sĩ nghe gió Tết mà nhớ quê hương, vua đã cho lễ hội hát Trống Quân, nhắc nhở giá trị truyền thống của đất nước để mọi người thêm yêu thêm quý và càng nâng cao chí khí chiến đấu cứu nước bảo vệ quê hương.
Đoàn gặp ba vị Phúc-Lộc-Thọ tại cung Tam Đa trên đường diễu hành.
Đặc biệt ở phần kết chương trình, các em nhỏ được tham gia vào đoàn diễu hành vui nhộn mang không khí tôn vương của lễ Đại Bội ở đình làng. Mọi người có thể đi vào cung Tam Đa gặp ba vị Phúc-Lộc-Thọ để được nhắc nhở lời vàng: Phúc phải do con người tích đức tu nhơn, Lộc phải do công sức con người học tập, lao động chân chính mà có, Thọ là phải do con người rèn luyện thể thao, giữ sức khỏe tốt và giữ gìn môi trường sống thật tốt.
Các em được vào cung Quảng Hàn để xem Hằng Nga cùng các tiên nương ca múa và được nhận quà.
Cuối cùng các em nhỏ được tự tay thả đèn trên hồ Tịnh Đế như bày tỏ niềm ước mơ tuổi thơ khi được hòa mình vào thiên nhiên và lễ hội.