Người điều khiển xe máy có được phép rẽ phải khi đèn đỏ?

(PLO)- Khi gặp đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.

Khi lưu thông trên đường, tôi hay gặp tình huống khi dừng đèn đỏ thì ở phía sau có người bấm còi để ra hiệu những người dừng phía trước phải tránh đường cho người phía sau rẽ phải.

Xin hỏi khi lưu thông tại ngã ba, ngã tư gặp đèn đỏ thì trong trường hợp nào người tham gia giao thông được phép rẽ phải?

Bạn đọc Thanh Tâm (TP.HCM)

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Đèn tín hiệu giao thông có ba màu, ý nghĩa từng màu như sau: Tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ là cấm đi, tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người lái xe phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp...

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ, khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Như vậy, khi gặp đèn đỏ mà có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông được phép rẽ phải.

Người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ngoài ra, nếu nút giao thông có biển báo phụ cho phép rẽ phải thì người tham gia giao thông hoàn toàn có quyền rẽ phải. Lưu ý, lúc này phải bật đèn xi nhan và nhường đường cho người đi bộ.

Nếu không thuộc những trường hợp trên mà vẫn rẽ phải khi gặp đèn đỏ thì người lái xe sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức xử phạt được căn cứ theo Nghị định 100/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021). Cụ thể như sau: Đối với người lái mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), phạt tiền 800.000-1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới