Sáng 29-10, trại tạm giam Đắc Tân (Tổng cục VIII, Bộ Công an), cơ quan chức năng đã công bố và giao quyết định miễn toàn bộ hình phạt còn lại, trả tự do cho anh Dương Xuân Thi. Anh Thi là bị án trong vụ lái máy cày gây tai nạn trên rẫy bị chín tháng tù.
Việc miễn hình phạt, trả tự do cho anh Thi được áp dụng theo quy định có lợi cho người phạm tội tại BLHS 2015 và khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội.
Trước đó, ngày 15-5, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xử phúc thẩm, tuyên phạt anh Thi chín tháng tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Cha anh Thi là ông Dương Văn Thực bị tòa phạt cảnh cáo về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại hơn 100 triệu đồng.
Bữa cơm đoàn tụ gia đình của anh Thi trưa 29-10. Ảnh: LOAN HÀ
Tại các phiên tòa, luật sư của cha con anh Thi đưa ra hai vấn đề cho rằng thân chủ mình bị truy tố, xét xử oan. Thứ nhất, cần làm rõ máy cày mà anh Thi lái có được xem là phương tiện giao thông hay không. Tại hồ sơ vụ án, CQĐT chưa có văn bản trưng cầu các cơ quan chức năng xác định đây là phương tiện giao thông. Thứ hai, làm rõ đoạn đường mà bị cáo lái máy cày xảy ra tai nạn có phải là đường giao thông hay không vì thực tế là đoạn đường rẫy. Ngoài ra, cần làm rõ cơ chế va chạm gây ra tai nạn để xác định được các bị cáo có tội hay không…
Sau bản án phúc thẩm, anh Thi bị đưa đi chấp hành hình phạt tù. Từ ngày 14-6, anh được chuyển đi chấp hành án tại trại giam Đắc Tân, đóng tại huyện M’Đrăk, Đắk Lắk. Trong thời gian này luật sư tiếp tục kiến nghị giám đốc thẩm vụ án với căn cứ là hai vấn đề pháp lý nêu trên.
Tại Công văn số 218 ngày 4-10-2017, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã trả lời kiến nghị của luật sư cho rằng hai vấn đề luật sư đưa ra không có cơ sở, các cấp tòa đã xét xử cha con anh Thi đúng, không oan.
Nhưng theo quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 thì cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ phải gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
Căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS 2015, điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017 của Quốc hội thì bị cáo Thi được miễn toàn bộ hình phạt (nếu chưa chấp hành). Cơ quan có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt đối với bị cáo Thi là TAND tỉnh Đắk Lắk. Đối với ông Thực đã chấp hành xong hình phạt cảnh cáo nên sẽ đương nhiên được xóa án tích.
Sau đó luật sư và gia đình anh Thi tiếp tục có đơn đề nghị TAND tỉnh Đắk Lắk miễn hình phạt, trả tự do cho anh gửi kèm theo văn bản của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng. Trên cơ sở này TAND tỉnh đã ra quyết định như trên.
Máy cày cán qua chân, thương tật 38% Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, ông Thực mua một xe máy cày và giao cho anh Thi (chưa có bằng lái B1) lái đi cày đất. Đầu năm 2016, anh Thi lái máy cày đi thu hoạch bắp tại rẫy nhà mình cùng em Trần Tuấn Anh (16 tuổi, trú cùng thôn, là bạn của em trai anh Thi) phụ giúp anh Thi việc bốc bắp lên xe. Khi xong việc, Tuấn Anh và em trai anh Thi đi bộ đường rẫy ra ngồi chờ anh Thi chạy xe máy cày ra rồi cùng về. Khi anh Thi điều khiển xe đến nơi, anh Thi nhíu mày ra hiệu rụt chân lại để xe chạy qua nhưng Tuấn Anh vẫn ngồi im nên bị xe máy cày cán qua chân trái gây thương tật 38%. Xử sơ thẩm, TAND huyện M’Đrăk phạt anh Thi 15 tháng tù, ông Thực 10 triệu đồng và hai bị cáo kháng cáo kêu oan. |