Tòa phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thi 9 tháng tù về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, phạt bị cáo Dương Văn Thực (51 tuổi, cha của Thi) cảnh cáo về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương các phương tiện giao thông đường bộ, đồng thời buộc bồi thường cho người bị hại trên 100 triệu đồng.
HĐXX dành cho bị cáo Thực quyền khởi kiện đối với bị cáo Thi về khoản tiền bồi thường trách nhiệm cho bị hại và sẽ thụ lý trong một bản án khác; dành cho bị hại Trần Tuấn Anh quyền khởi kiện đối với các bị cáo về khoản tiền chi phí điều trị trong thời gian bị tai nạn và sẽ thụ lý trong một vụ án khác.
HĐXX cũng tuyên bố miễn khoản tiền phí thi hành án cho hai bị cáo vì gia đình thuộc hộ nghèo.
Cha con hai bị cáo Thực và Thi tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Đ.DŨNG
Trước đó, ngày 12-5, phiên tòa phúc thẩm này đã được đưa ra xét xử. Sau khi hoàn tất các thủ tục xét hỏi, luận tội, do trùng vào ngày cuối tuần nên HĐXX nghị án kéo dài.
Theo cáo trạng, năm 2013, bị cáo Dương Văn Thực mua một xe máy cày về phục vụ sản xuất. Hàng ngày, bị cáo Thực giao xe cho con trai là Dương Xuân Thi (chưa có bằng lái xe B1) điều khiển đi cày đất.
Ngày 9-1-2016, Thi điều khiển xe máy cày cùng gia đình đi thu hoạch bắp tại rẫy thuộc thôn 4 (xã Cư Prao). Tại đây có em Trần Tuấn Anh (16 tuổi, trú cùng thôn) là bạn của em trai Thi đến phụ giúp bốc bắp lên xe. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, việc bốc bắp hoàn thành. Em Tuấn Anh và em trai Thi đi dọc con đường rẫy ra hướng tỉnh lộ 13 ngồi chờ Thi chạy xe máy cày ra rồi cùng về.
Khi Thi điều khiển xe đến nơi, em Tuấn Anh và em trai Thi vẫn ngồi yên trên hai bó cỏ vì nghĩ Thi sẽ dừng xe lại. Thi nhíu mày ra hiệu cho em Tuấn Anh rụt chân lại để xe chạy qua nhưng em Tuấn Anh vẫn ngồi im. Khi xe đến gần, Thụ nhảy tránh được, riêng em Tuấn Anh nằm xuống, giơ chân lên để tránh thì bị bánh sau của xe máy cày cán qua chân trái gây thương tật 38%.
Bị hại Tuấn Anh tham gia phiên tòa với chân trái bị bó bột. Ảnh: Đ.DŨNG
Xử sơ thẩm, TAND huyện M’Đrắk đã phạt Thi một năm ba tháng tù, phạt bị cáo Thực 10 triệu đồng, buộc bồi thường hơn 138 triệu đồng cho phía bị hại. Sau đó, hai bị cáo kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thực khai sau khi mua xe máy cày về có đưa lên công an xã để đăng ký nhưng được cán bộ trả lời xe này phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không làm đăng ký. Ngoài ra, bị cáo còn khai đoạn đường xảy ra tai nạn là đường rẫy chuyên chở nông sản và chưa bao giờ nghe thông tin chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch làm đường.
Bị cáo Thi và nhân chứng khai trước khi xảy ra tai nạn có nhắc nhở bị hại Tuấn Anh đứng dậy tránh khi xe máy cày tới gần nhưng bị hại không nghe mà vẫn ngồi tại chỗ, dẫn đến tai nạn. Lúc nạn nhân lọt xuống xe, Thi cũng cũng không hay biết.
Trong khi đó, cha của bị hại Tuấn Anh đề nghị HĐXX xem xét tăng hình phạt tù đối với bị cáo Thi, tăng mức phạt tiền đối với bị cáo Thực để có tính răn đe đối với những người khác.
Luật sư đang hỏi phía bị hại về nguyên nhân tai nạn. Ảnh: Đ.DŨNG
Các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ vụ án vì có dấu hiệu oan sai. Các luật sư đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ máy cày mà bị cáo Thi lái có được xem là phương tiện giao thông hay không bởi CQĐT chưa có văn bản trưng cầu các cơ quan chức năng xác định đây là phương tiện giao thông; xem xét, làm rõ đoạn đường mà bị cáo lái máy cày xảy ra tai nạn có phải là đường giao thông hay không bởi trong hồ sơ vụ án cũng không cho trưng cầu. Ngoài ra, tòa cũng cần làm rõ cơ chế va chạm gây ra tai nạn, từ đây mới xác định được các bị cáo có tội hay không có tội. Các luật sư đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu do cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bỏ lọt nhiều chứng cứ, làm sai lệch hồ sơ...
HĐXX kết luận hai bị cáo có tội và chỉ chấp nhận một phần quan điểm bào chữa của các luật sư, đưa tình tiết gia đình các bị cáo có công với cách mạng, đã khắc phục một phần hậu quả… để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Sau phiên tòa, hai bị cáo Thực và Thi cho biết sẽ khiếu nại giám đốc thẩm.