Người lao động tại Libya khẩn thiết muốn về nước

Người lao động cho biết kể từ khi xảy ra chiến sự, cuộc sống của họ thiếu thốn đủ bề, bữa ăn kham khổ. Riêng 23 công nhân làm việc tại vùng Nalut đã nghỉ 26 ngày, mỗi bữa ăn chỉ có hai quả trứng. Ngoài ra công ty còn nợ họ hai tháng lương (bình quân 26-28 triệu đồng/tháng). “Tâm nguyện chúng tôi muốn được về nước đoàn tụ gia đình, người thân nhưng đến nay vẫn chưa được về” - người lao động khẩn thiết.

Ngày 28-8, PV Pháp Luật TP.HCMđã liên hệ Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực Việt-Nhật (Vitech., SJC), đơn vị đưa lao động sang Libya làm việc. Đại diện công ty này xác nhận đã đưa hơn 100 lao động sang làm việc cho một công ty nhà nước của Libya chuyên về lĩnh vực xây dựng (Công ty ANC). Theo đó, số lao động này được Vitech đưa sang thi công đường ống cấp nước. Theo vị đại diện này, sau khi xảy ra chiến sự tại Libya, công ty đã đưa 67 lao động về nước. Riêng số lao động còn mắc kẹt, dự kiến sẽ đưa về nước trong các ngày 4 và 5-9 tới. Về khoản tiền lương công ty sử dụng lao động còn nợ, vị đại diện này cho hay do ảnh hưởng chiến sự nên ngân hàng tại thủ đô Tripoli không thực hiện chuyển tiền được. “Chúng tôi liên hệ chặt chẽ với Công ty ANC để khi họ chuyển tiền về, chúng tôi sẽ trả lương đầy đủ cho người lao động” - đại diện Công ty Vitech nói.

Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Hiện còn khoảng 200 lao động Việt Nam đang làm việc tại các công ty ở Libya nhưng cách xa vùng chiến sự hàng trăm cây số. Trong tháng 9, các công ty cung ứng và cơ quan chức năng sẽ đưa họ về nước. Riêng các lao động làm việc gần vùng chiến sự sẽ được đưa về hết trong tháng 8. “Còn tiền lương người lao động phản ánh thì không thể mất, tuy nhiên cần phải có thời gian để công ty ở Libya chuyển về, lúc đó công ty cung ứng có trách nhiệm trả cho người lao động” - ông Quỳnh khẳng định.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới