Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ mà báo chí của không ít quốc gia trên thế giới đua nhau chuyển ngữ vụ tự sát của kỹ sư người Nhật Ryoichi Kishi vì một đoạn cáp sàn của cây cầu treo hiện đang được thi công trên vịnh Izmit (Thổ Nhĩ Kỳ) bị đứt. Không ít người bất ngờ, thậm chí có phần tiếc nuối khi Ryoichi Kishi chọn lấy cái chết - theo đúng tinh thần võ sĩ đạo cách đây mấy chục năm của người Nhật - dù vụ tai nạn không gây thiệt hại đáng kể, nhất là khi không có bất kỳ ai mất mạng. Chỉ vì trước khi vụ tai nạn xảy ra, Ryoichi Kishi đã phát hiện ra vết nứt trong kết nối của một đoạn cáp nền của cây cầu, tuy nhiên ông ấy vẫn chưa kịp khắc phục thì vụ tai nạn ập đến.
Thi thể Ryoichi được chuyển từ sân bay Atatürk của İstanbul về lại quê nhà, Nhật Bản.
Thị trưởng tỉnh Yalova Vefa Salman tuyên bố trên tờ International Business Times rằng tỉnh này sẽ xây dựng một “bức tượng tri ân” đối với tấm lòng và trách nhiệm của kỹ sư Ryoichi ngay tại quảng trường Tonami. Thậm chí đã có ý kiến đề xuất lấy tên Ryoichi đặt cho cây cầu đầy ấn tượng này. Cư dân mạng tỏ ra khâm phục Ryoichi: “Những gì mà vị kỹ sư Nhật Bản đã làm thực sự đáng tôn trọng. Hãy đặt tên cây cầu theo tên của vị kỹ sư đó để tưởng nhớ về ông”.
Nếu một lần đến thăm đất nước mặt trời mọc, ta sẽ hiểu hơn về những gì Ryoichi Kishi đã làm. Tất cả công trình kiến trúc, hạ tầng tại Nhật đều do chính đôi bàn tay và khối óc của hàng triệu người vốn bước lên từ mặc cảm sau hai cuộc thế chiến toàn bại. Một người bạn của tôi tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) bảo: “Sau Thế chiến thứ II, chúng tôi ý thức rằng chỉ có sự cần cù, kỷ luật và tự giác mới có thể giúp Nhật Bản - vốn nghèo tài nguyên lại lắm thiên tai thoát khỏi cái bóng đen của chiến tranh”. Và điều quan trọng là sự thảm hại từ những quyết định “sai lầm của lịch sử” đã dạy cho người Nhật một bài học “không để mọi chuyện vào thế đã rồi”.
Có lẽ xuất phát từ sự cần cù, kỷ luật và tự giác mà bất kỳ công trình nào tại Nhật đều mọc lên một cách hoàn hảo, tròn trịa đến từng centimet. Phố xá của Nhật cũng đông đúc, tấp nập nhưng trật tự. Đường đi rộng thênh thang nhưng ngay cả một người mù cũng có thể tự đi lại, tự qua ngã ba, ngã tư chỉ với một cây gậy gõ lọc cọc trên những vạch kẻ làm dấu cho người mù vừa thẳng vừa chi tiết. “Cha đẻ” của hệ thống tàu cao tốc bậc nhất thế giới của Nhật đã từ chức vì dự trù tài chính “không chuẩn” khiến chính phủ mắc nợ, bất chấp khi các tuyến tàu cao tốc hoàn thành đã góp phần lớn vào bước “đại nhảy vọt” của người Nhật, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.