'Người ta rất sợ có nhiều cơ quan điều tra'

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an Hà Nội). Ảnh: LÊ PHI

Mở đầu phần phát biểu, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (Giám đốc Công an TP Hà Nội) cho hay không nên mở rộng điều tra cho các cơ quan kiểm ngư, chứng khoán, thuế. “Mở rộng cơ quan điều tra là không cần thiết. Các vụ việc xảy ra thì đều trưng cầu các chuyên gia của các cơ quan này”, ĐB Chung nói.

Ngoài ra, Tướng Chung cho hay hiện nay có cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra nên bổ sung thêm về cơ quan điều tra hàng lậu, hàng giả là hợp lý.

Bên phản đối kịch liệt
Đồng tình với quan điểm của Tướng Chung, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không mở rộng cơ quan điều tra ban đầu đối với thuế, chứng khoán, kiểm ngư.
“Đây là các cơ quan hành chính, không có đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, không có chuyên môn. Khi các cơ quan này chuyển vụ việc điều tra đến cơ quan chức năng có thể phải làm lại hồ sơ từ đầu. Nếu phải bổ sung các cơ quan này được quyền điều tra thì các cơ quan khác thì sao? Ngoài ra, việc này không phù hợp với chủ trương là thu hẹp đầu mối cơ quan điều tra trong chiến lược cải cách tư pháp”, ĐB Vinh nói.

Cũng theo ĐB Vinh thì cần bổ sung cục điều tra phòng chống tội phạm buôn lậu với lẽ phạm pháp hình sự hàng lậu, hàng giả… tăng và diễn biến phức tạp nhưng số lượng các vụ việc bị xử lý hình sự chỉ chiếm 7,3%, còn lại là xử hành chính...

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM). Ảnh tư liệu.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng người ta rất sợ có nhiều cơ quan điều tra. Vì như vậy sẽ có nhiều người có quyền bắt người, khởi tố mà cải cách tư pháp là yêu cầu phải thu gọn đầu mối cơ quan điều tra. Người có quyền hành chính lại có quyền tư pháp như vậy người ta sẽ lợi dụng dùng quyền tư pháp để thực hiện.
“Không nên mở rộng cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán được quyền điều tra ban đầu. Nên giữ nguyên phạm vi các cơ quan được tiến hành điều tra. Còn bổ sung cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao là nhu cầu bức thiết”, ĐB Đương nói.

ĐB Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cũng cho rằng không cần thiết mở rộng điều tra cho thuế, kiểm ngư, chứng khoán, dẫn đến bắt nhầm người, oan sai, cơ quan điều tra lại phải làm lại từ đầu, có khi đối tượng có thể bỏ trốn, thông cung, tiêu hủy chứng cứ.

Bên lại đồng tình

Trái lại, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, về mô hình cơ quan điều tra tôi cơ bản đồng tình. “Tuy nhiên cần bổ sung thêm các cơ quan điều tra mới như thuế, kiểm ngư và chứng khoán được điều tra ban đầu”, ĐB Thuyền nói.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ảnh: Lê Phi
ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho hay, tán thành các cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán được điều tra. Nên cho phép điều tra vì đây là những cơ quan có hoạt động chuyên sâu. Ngoài ra, nếu chỉ để xử lý hành chính thì có khi sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hình sự nếu không được điều tra.
ĐB Thuyền cũng cho rằng, về quy định ngoài điều tra viên còn có cán bộ điều tra. Nếu chúng ta dùng cán bộ điều tra thì không chuẩn lắm mà nên quy định là trợ lý điều tra.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hòa Bình (Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) cho hay, việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế, kiểm ngư, chứng khoán là lập luận của Chính phủ.
“Riêng cơ quan kiểm ngư, đề nghị QH ủng hộ, còn hai cơ quan còn lại thì các ĐBQH đồng tình hay không thì cần thảo luận”, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nói.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, việc hiện diện của ngư dân trên biển rất nhiều nhưng việc quản lý trên biển là chúng ta đang bàn. “Nếu giao kiểm ngư quyền này thì chúng ta muốn chuyển đến cho quốc tế thông điệp chúng ta thực hiện sự quản lý sự hiện diện của người dân trên biển, nên chúng tôi đề nghị QH ủng hộ việc này”, Viện trưởng Bình nhấn manh.

Ý kiến trái chiều về thẩm quyền công an xã
Tuy không đồng ý mở rộng điều tra cho các cơ quan thuế, chứng khoán, kiểm ngư nhưng ĐB Đỗ Văn Đương lại đồng ý giao cho công an xã một số hoạt động điều tra với giới hạn hẹp.
“Chỉ được làm một số hành vi tố tụng thôi, để sau này cơ quan điểu tra đến không còn phải làm lại nữa. Ví dụ lấy lời khai nhưng không được để công an xã khám nghiệm hiện trường”, ĐB Đương nói.
Trái lại ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, không nên quy định trách nhiệm điều tra cho công an xã. “Công an xã được điều tra ban đầu là vượt quá khả năng, trình độ của cơ quan này. Có thể dẫn đến làm oan sai người vô tội”, ĐB Vinh nói.

Cần có bước cải tiến lớn về tội phạm tham nhũng

Đề nghị trong luật cần có bước cải tiến điều tra về tội phạm tham nhũng, lợi dụng chức vụ. Vì hiệu quả điều tra loại tội này còn hạn chế.

Đối với tội phạm tham nhũng, đề nghị người phạm tội cấp tỉnh, cấp sở trở lên thì nên giao cho Bộ Công an làm. Còn cấp huyện thì nên để tỉnh điều tra.

Cấp huyện thì thời gian qua tôi thấy chỉ điều tra được các xã phường, thôn xóm thôi. Có quy định như vậy mới đẩy nhanh đấu tranh với tội phạm tham nhũng được.

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới