Cụ thể, kết quả cuộc phỏng vấn thực hiện với hơn 30.000 người theo hình thức trực tuyến tại 60 quốc gia về nguyện vọng của người tiêu dùng khi họ về già, cho thấy, có đến 44% số người được hỏi cho biết họ không thấy nhiều quảng cáo hướng về người già.
Khi được hỏi về các sản phẩm, dịch vụ cần thiết dành cho người già, có đến 43% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, khó để tìm được các loại thực phẩm cho nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt, 41% cho biết đa số nhãn sản phẩm khó đọc đối với người cao tuổi.
Điều lo lắng thứ 2 (chiếm 69%) là mất khả năng tự chăm sóc cơ bản như tự ăn, tự tắm hay mặc quần áo. Lo lắng về mất khả năng tư duy chiếm vị trí thứ 3 với 65%, mất khả năng vận động với 60% và bị bỏ rơi với 39%.
Khi được hỏi: Nếu bạn quá yếu để tự chăm sóc bản thân hoặc không thể sống một mình thì gia đình có phải là nơi nương tựa số 1 của người Việt Nam, có 33% số người cho biết sẽ sống với vợ hoặc chồng, 29% sẽ sống với con cháu, tỷ lệ này cao hơn trung bình khu vực ở mức 16%.
Đối với các nhà bán lẻ trong nước, hơn 1/3 người tiêu dùng cho rằng các siêu thị, nhà bán lẻ vẫn thiếu gian hàng dành riêng cho người cao tổi (chiếm 35%) hoặc nhà vệ sinh cho người cao tuổi (37%) nhưng lại đánh giá cao về các mặt khác như ánh sáng tốt (86%), kệ có độ cao hợp lý (80%), bảng quảng cáo lớn (81%), dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, nhã nhặn (77%) và có ghế ngồi (73%).
Mặt khác, đa số người được hỏi mong muốn nghỉ hưu trước tuổi 65, chiếm đến 85%. Trong đó, có 41% người trả lời muốn nghỉ hưu trong độ tuổi từ 60 đến 65 và 40% muốn nghỉ hưu sớm hơn, từ 50 - 59 tuổi.
Tỷ lệ mong muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 65 tại các nước đang phát triển như Thái Lan là 84%, Malaysia là 86%, Philippines 78% cao hơn nhiều so với các nước đã phát triển như Úc (47%), Nhật Bản (59%), Hàn Quốc (50%). Ở những nước phát triển nêu trên, người gia mong muốn được nghỉ hưu ở tuổi từ 66 đến 69 tuổi.
Cá biệt, tại New Zealand, tỷ lệ người muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 70 - 75 lên đến 17%, cao hơn nhiều so với trung bình khu vực là 4%.
Đây là một lời thức tỉnh các nhà sản xuất, bán lẻ và marketer nên tập trung nhiều hơn để chăm sóc và quan tâm đến người tiêu dùng cao tuổi. “Với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng tại một số nước, việc quan tâm nhiều hơn đến khách hàng cao tuổi có nhiều thuận lợi vì họ thường có nhiều thời gian để mua sắm so với giới trẻ”, ông Todd Hale, Phó chủ tịch cấp cao Nielsen nói.