Chiều 30-6, TAND tỉnh Bình Phước đã xử phúc thẩm vụ bà Nguyễn Thị Ước (ngụ huyện Chơn Thành, Bình Phước) bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đó, xử sơ thẩm, TAND huyện Chơn Thành đã tuyên phạt bà Ước 10 năm tù, buộc phải trả cho bà Lê Thị Bông 200 triệu đồng, bà Bông phải trả lại giấy đỏ cho bà Ước. Bà Ước kháng cáo kêu oan và cho rằng cơ quan tố tụng để điều tra viên từng làm oan bà gần 10 năm trước nay lại điều tra bà trong vụ án này là không đảm bảo tính vô tư, khách quan.
Bà Ước từng được TAND huyện Chơn Thành xin lỗi, bồi thường oan vì đã kết án oan bà về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2009.
Bà Nguyễn Thị Ước tại tòa. Ảnh: TT
Ở vụ mới này, theo hồ sơ, tháng 8-2011, bà Ước vay của bà Bông 200 triệu đồng, thế chấp bằng giấy đỏ đất của mình, với thỏa thuận mỗi tháng trả lãi 12 triệu đồng. Bà Ước ký tên nhưng con trai bà Bông là người viết giấy vay tiền. Sau khi nhờ người lấy lại giấy đỏ không thành, bà Ước đã làm thủ tục cấp lại theo diện mất giấy nhưng bà Bông phát hiện và tố cáo. Trước sau bà Ước kêu oan cho rằng mình bị hình sự hóa quan hệ dân sự vì trong giấy vay tiền không thể hiện việc trả lãi hằng tháng là 12 triệu đồng/tháng và thời hạn trả gốc là ba tháng như cáo trạng quy kết. Do đó đây chỉ là quan hệ vay mượn, là giao dịch dân sự, bà Bông chỉ có quyền khởi kiện đòi tiền...
Tại tòa, đại diện VKSND tỉnh đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan và tuyên y án sơ thẩm. Tranh luận lại, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo không phạm tội vì chưa làm rõ có việc vay mượn giữa bị cáo và bà Bông hay không. Các nhân chứng trong vụ án đều là con, họ hàng với bà Bông, có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau. Cấu thành tội lạm dụng là cấu thành vật chất, tức phải có thiệt hại xảy ra. Trong khi tại tòa bà Bông khai không có thiệt hại gì khi tòa sơ thẩm tuyên trả lại giấy đỏ (là tài sản cầm cố) cho bị cáo, thực tế bà Bông cũng không kháng cáo. Khi không có thiệt hại thì hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm...
Đáp lại, kiểm sát viên nói yếu tố cấu thành cơ bản là bị cáo đã nhận tiền của bà Bông và dùng thủ đoạn gian dối là tìm cách lấy lại giấy đỏ, khi không lấy được thì tìm cách để được cấp lại giấy. Hậu quả đã xảy ra khi bà Bông đã mất tiền, việc tòa sơ thẩm tuyên trả giấy là sau khi đã quyết định buộc bị cáo trả lại tiền cho bà Bông...
Kết thúc phần tranh luận, tòa quyết định nghị án kéo dài vì cho rằng vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, phải nghiên cứu kỹ, dự kiến sẽ tuyên vào ngày 3-7.
Bà Ước chỉ gian dối với Nhà nước Nếu cho rằng bà Ước có hành vi gian dối thì cũng không phải gian dối với bà Bông mà là gian dối với cơ quan nhà nước. Nhưng không hiểu sao bà Ước lại bị khởi tố, truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bà Ước làm lại giấy đỏ để làm gì? Nếu làm lại giấy đỏ để tiếp tục thế chấp vay tiền của người khác thì người bị lừa đâu phải là bà Bông! Chỉ khi nào bà Ước có ý định chiếm đoạt số tiền đã vay của bà Bông bằng thủ đoạn gian dối như sửa chữa giấy tờ vay, chưa trả lại nói là đã trả hoặc làm giấy tờ giả có nội dung đã trả tiền bà Bông hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền đã vay… thì hành vi của bà Ước mới cấu thành tội lạm dụng như đã truy tố. Còn giấy đỏ hay bất cứ tài sản thế chấp nào cũng chỉ là để bảo đảm cho khoản tiền vay chứ không thể thay thế được khoản tiền vay. Một vụ án liên quan đến quan hệ vay mượn có thế chấp muốn truy tố xét xử về tội lạm dụng thì việc đầu tiên cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bị cáo có ý định chiếm đoạt rồi hãy xem xét đến thủ đoạn chiếm đoạt. ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao |