Người Việt bị lừa gần 19.000 tỉ đồng qua mạng, chuyên gia công nghệ cũng không thoát

(PLO)- Hiệp hội an ninh mạng quốc gia ước tính, cứ 220 người sử dụng điện thoại thông minh trong năm 2024 sẽ có 1 người là nạn nhân của tình trạng lừa đảo trên không gian mạng.

Theo đó, tổng thiệt hại người Việt bị lừa đảo trên không gian mạng ước tính lên đến 18.900 tỉ đồng.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” vào sáng 18-12, tại TP.HCM. Tọa đàm do Ban chuyên đề Công an TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức.

Tài sản ảo nhưng lừa đảo thật

Nói tại tọa đàm, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, bản thân ông làm trong lĩnh vực công nghệ số vẫn bị lừa. Điều này cho thấy các hành vi lừa đảo công nghệ cao ngày càng tinh vi và "đầy học thức".

Ông Phan Đức Trung cho biết lừa đảo trên không gian mạng vừa tinh vi, vừa học thức. ẢNH: THU HÀ

Ông Trung dẫn một nghiên cứu cho thấy, 64% chuyên gia an ninh tin rằng các nền tảng AI (trí tuệ nhân tạo) đang góp phần phát triển các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tinh vi về giả giọng nói, video call…

Bên cạnh đó, hiện nay các hành vi lừa đảo tiền mã hóa cũng đang gia tăng, trong khi tài sản số lại chưa có khung pháp lý chặt chẽ. Thống kê của Triple-A cho thấy, Việt Nam có 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 trên toàn cầu. Trong đó dòng vốn thị trường blockchain vào Việt Nam ước đạt 105 tỉ USD, với lợi nhuận gần 1,2 tỉ USD trong năm 2023.

Chưa kể, số liệu từ Chainalysis cho thấy trong vòng 5 năm, từ năm 2019 - 2024, khoảng gần 100 tỉ USD tiền mã hoá bất hợp pháp đã được rửa thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Điều này cũng khiến cho tỉ lệ rủi ro về lừa đảo tài sản và thất thu thuế rất đáng báo động.

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công An TP.HCM cũng cho biết, ngay cả người có học thức cao cũng có thể bị lừa.

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - CATP. ẢNH: THU HÀ

"Tôi còn nhớ, vào dịp tết 2024, Công an TP.HCM nhận được phản ánh từ người dân cho biết có người tự xưng là Công an TP Thủ Đức, yêu cầu điền thông tin cá nhân vào đường link do bên này cung cấp.

Người dân này có học thức rất cao và cũng thể hiện sự phản kháng, đặt câu hỏi nghi ngờ, nhưng đối tượng lừa đảo liên tục tấn công tâm lý và cho biết đó là đường link của Công an Thủ Đức. Khi thử ấn vào người dân thấy giống như trang web thật và điền thông tin, ngay sau đó thì họ mất tiền, mất tài khoản"- ông Hải nói.

Thượng tá Lê Minh Hải nhấn mạnh: Người dân cần lưu ý, các đơn vị như cảnh sát, tòa án... không mời người dân làm việc thông qua điện thoại, và không yêu cầu điền các thông tin trên website, link qua các hội nhóm.

Để hạn chế rủi ro lừa đảo, theo ông Hải cần phải tuyên truyền kiến thức nhiều hơn nữa cho người dân về phòng chống tội phạm mạng.

Tình trạng tội phạm sử dụng mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an TP HCM đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại lên tới khoảng 982 tỉ đồng. Trung bình trong mỗi vụ lừa đảo, một người dân bị thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.

Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM

Nhiều giải pháp phòng chống tội phạm mạng

Từ thực tiễn xử lý các vụ việc liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng, Thượng tá Trần Tiến Quang, Phó Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM cho rằng cần xử lý nhiều vấn đề.

Trước hết, Thượng tá Quang cho rằng, các Sở Kế hoạch - đầu tư cần rà soát lại quy trình cấp phép cho doanh nghiệp. Trong đó siết chặt thông tin địa chỉ, số điện thoại công ty, người đại diện pháp lý để tránh trường hợp thành lập "công ty ma", bởi khi có sự vụ lừa đảo, việc truy vết "công ty ma" rất khó khăn.

Về phía Ngân hàng nhà nước cũng cần kiểm soát việc mở tài khoản ngân hàng, nhất là việc các nhà băng đang cho phép mở tài khoản online một cách dễ dàng. Cùng đó cần kiểm soát các dòng tiền ngoại hối, bởi hiện nay việc thực hiện các dòng tiền từ nước ngoài về Việt Nam đang dễ dàng.

Cần có cơ chế kết hợp liên ngành khi xử lý vi phạm như đóng mã số thuế thì tài khoản ngân hàng của đơn vị đó cũng cần phải xử lý.

Thượng tá Đới Ngọc Thắng cũng bày tỏ cần nhanh chóng ban hành các quy định, pháp lý trong giao dịch số, các hệ thống cơ sở dữ liệu về an ninh bảo mật. Đồng thời tăng cường việc cảnh báo sớm trên các nền tảng thông tin để người dân kịp thời phòng tránh.

Về vấn đề này, Đại tá PGS- TS Nguyễn Văn Chánh, Trưởng khoa Khoa cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Đại học Cảnh sát nhân dân, cho hay, rất cần một nguồn lực nhân sự chất lượng cao từ quản lý nhà nước và đến các cán bộ trong lĩnh vực tài chính, dịch vụ... để phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Cách dùng camera trên điện thoại để tránh lừa đảo

Nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ Deepfake để giả hình ảnh, giọng nói, thậm chí là giả mạo người nổi tiếng thực hiện các phiên livestream để tăng độ uy tín. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin, hoặc tài chính, chúng ta cần thận trọng bằng cách yêu cầu người gọi bằng cách tắt đi, đồng thời yêu cầu gọi video call ngược trở lại. Đồng thời khi gọi cần mở camera để hai bên thấy khuôn mặt của nhau, hỏi những câu hỏi trực tiếp.

Những yêu cầu này nằm ngoài kịch bản của đối tượng. Nếu là đối tượng lừa đảo sẽ không dám mở camera để gọi trực tiếp, hoặc nếu Al Deepfake, máy nói thì không thể đáp ứng trơn tru các câu hỏi trực tiếp của người dùng.

Song song đó, người dùng cần thực hiện những quy tắc: không tin tưởng các thông tin yêu cầu trên mạng, không nên truy cập vào các địa chỉ website lạ, không cài đặt các phần mềm lạ không rõ nguồn gốc và cả những phần mềm đòi hỏi yêu cầu cấp quyền truy cập cao vào thông tin người dùng...

Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần phải tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao hiểu biết về các hình thức tấn công, lừa đảo mới.

Ngay cả các nhà mạng cũng cần cập nhật giải pháp công nghệ hiện đại để phát hiện, phòng chống tội phạm mạng hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới