Ngày 23-4, Cốc Cốc phát hành báo cáo “Cất cánh cùng ngành du lịch năm 2024” nhằm cung cấp tổng quan về nhu cầu du lịch hiện tại, thấu hiểu hành vi du lịch của người Việt Nam.
Đây là kết quả nghiên cứu dữ liệu từ 30 triệu người dùng trên nền tảng Cốc Cốc cũng như thực hiện các cuộc khảo sát trực tuyến trên toàn quốc.
Người Việt có xu hướng đi du lịch dài ngày
Về điểm đến, hai xu hướng chính được người Việt quan tâm nhất là điểm đến nổi tiếng với dịch vụ đầy đủ và khám phá cảnh quan thiên nhiên.
Trong đó, du lịch biển là lựa chọn hàng đầu trong ba năm liên tiếp với gần 40% đáp viên yêu thích.
Năm 2024 người Việt có xu hướng đi du lịch thường xuyên hơn, với tỉ lệ du lịch từ ba lần/năm trở lên đạt 22,4% và là cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, du lịch dài ngày tiếp tục tăng qua các năm. Theo đó, gần ½ đáp viên khảo sát năm 2024 có dự định đi du lịch từ năm ngày bốn đêm trở lên.
Trong khi năm 2022 phần lớn đáp viên chọn du lịch ngắn ngày thay vì dài ngày. Đặc biệt, tỉ lệ cho biết đi du lịch trong ngày cũng giảm từ 1/4 xuống còn 1/10.
Theo đó, mức chi tiêu trung bình của phần lớn người Việt từ 2-5 triệu đồng/mỗi chuyến đi.
Đặc biệt, lứa trẻ từ 25 tuổi đến 34 tuổi chi tiêu cho du lịch mạnh hơn gần 70% chi tiêu từ 5 triệu đồng trở lên/mỗi chuyến đi.
Trong khi lứa tuổi 35 tuổi đến 44 tuổi thường hạn chế chi tiêu cho du lịch hơn.
Với độ tuổi từ 45 tuổi trở lên, chi tiêu cho du lịch quay trở lại mức phổ biến khoảng 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho biết Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội tốp ba điểm đến trong nước được yêu thích nhất. Hà Nội từ vị trí thứ bảy các năm trước đã “thăng hạng” trong bảng xếp hạng năm nay.
Dù số đông vẫn lựa chọn du lịch trong nước, tuy nhiên mối quan tâm tới các điểm nước ngoài tăng lên đáng kể từ 14,1% lên 21,5% so với năm trước.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ là những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn nhất đối với người dùng, đặc biệt các điểm du lịch ở khu vực Châu Á đang được quan tâm hơn.
Người Việt sử dụng AI hỗ trợ lên kế hoạch cho chuyến du lịch
Khảo sát cũng ghi nhận người Việt dần lên kế hoạch rõ cho chuyến đi. Năm 2024 hơn 60% đáp viên cho biết đã có kế hoạch du lịch so với chỉ 44% của năm 2022.
Những nguồn tin truyền miệng từ người thân, bạn bè cho đến đánh giá từ cộng đồng là nguồn cảm hứng cho kế hoạch du lịch của người Việt.
Khá thú vị khi có 17,8% đáp viên năm nay cho biết họ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực khi lên lịch trình.
Đáng chú ý, gần 70% đáp viên cho biết quan tâm nhiều hơn đến các chuyến du lịch tự túc, số ít còn lại chọn tour du lịch qua đại lý.
Khách sạn vẫn là lựa chọn phổ biến của du khách nhất nhưng homestay, resort đang dần trở nên phổ biến hơn so với 2023.
Có 57,4% người Việt chọn đặt phòng qua các kênh trung gian. 42, 6% chọn đặt phòng trực tiếp với nơi lưu trú.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự yêu thích của du khách đối với các dịch vụ bổ sung như ẩm thực, mua sắm.
Lạm phát khiến 65% người Việt cân nhắc đi du lịch
Cốc Cốc, những tác động từ nền kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá tăng cao tạo những rào cản nhất định tới ngành du lịch.
Có 65% số đáp viên cho biết lạm phát có ảnh hưởng tới quyết định du lịch của họ, tăng 3% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, một điểm sáng đối với ngành du lịch đó là tâm lý ưu tiên cho du lịch không giảm; tỉ lệ người phải dùng đến các biện pháp cắt chi tiêu cho du lịch cũng giảm so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy hơn 50% đáp viên cho biết đã sẵn sàng lên kế hoạch cho du lịch hè sắp tới. Việc nắm chắc xu hướng, nhu cầu chi tiêu là “chìa khóa vàng” cho doanh nghiệp du lịch.