Nguồn cung nhà ở sẽ dồi dào hơn

(PLO)- Thời gian tới nguồn cung sẽ dồi dào hơn do có đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội và các giải pháp gỡ vướng thị trường.

Chiều 24-4, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý I-2023. Nội dung chính của cuộc họp báo phần lớn xoay quanh biến động của thị trường bất động sản (BĐS); điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng…

Đất nền, nhàriêng lẻ giảm giá

Thông tin về tình hình quý I-2023, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho biết thị trường vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới. Nguồn cung nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV-2022.

Thị trường nhà đất quý I-2023 nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Ảnh minh họa: Q.HUY

Trong quý có 106.401 giao dịch thành công (đạt 65,06% so với quý IV-2022). Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền. Tuy nhiên, lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ vẫn tăng 272,72% so với quý cuối năm ngoái.

“Qua tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 39.133 giao dịch thành công. Đất nền có 67.268 giao dịch thành công” - ông Hải thông tin.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết giá nhà ở và một số loại BĐS có nhiều biến động. Trong đó, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ gồm biệt thự, nhà liền kề và đất nền có xu hướng giảm so với quý trước. Cụ thể, tại Hà Nội, biến động giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm khoảng 7%-10%. Tương tự, tại TP.HCM giá nhà ở riêng lẻ và đất nền cũng giảm mức 7%-9% ở nhiều vị trí.

“Như vậy, phân khúc BĐS biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác” - ông Hải nói.

Kỳ vọng nguồn cung tăng

Trả lời tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận trong quý I, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

“Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tổ chức các hội nghị, cuộc đối thoại… để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt là Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đưa ra quan điểm, biện pháp tháo gỡ cụ thể cho thị trường” - ông Sinh nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh vừa qua Chính phủ đã ban hành đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Hiện các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai với hơn 300 dự án có quy mô khoảng 400.000 căn hộ.

Bên cạnh đó là gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Hiện nay, phía ngân hàng đã có hướng dẫn cụ thể về điều kiện, cách thức vay, mức lãi suất và các ngân hàng tham gia chương trình đang tích cực triển khai thực hiện.

“Liên quan đến danh mục dự án được vay, thời gian qua bộ đã báo cáo với Chính phủ, ủy quyền cho UBND tỉnh công bố tại địa phương đối với các dự án đủ điều kiện. Trên cơ sở đó, ngân hàng giải ngân theo yêu cầu. Mục tiêu là để rút ngắn quy trình, thủ tục để phía ngân hàng giải ngân được nhanh nhất” - ông Sinh thông tin.

Thời gian qua, Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ các khó khăn cho thị trường BĐS vẫn tiếp tục làm việc với các địa phương để gỡ vướng. Các địa phương cũng lập các tổ công tác để rà soát. Trên thực tế số dự án vướng mắc rất nhiều, như tại TP.HCM có 180 dự án nhà ở thì đến 80% dự án gặp vướng mắc, ở Hà Nội có khoảng 170 dự án vướng mắc. Hiện tất cả khó khăn ở các dự án này đã được nhận diện vướng ở đâu, cấp nào…

“Qua rà soát cho thấy các vướng mắc chủ yếu nằm ở các thủ tục đất đai, đầu tư, nhà ở, xây dựng… Thẩm quyền giải quyết việc này chủ yếu nằm ở các địa phương. Hiện tổ công tác đang tích cực cùng các địa phương tìm ra giải pháp để gỡ vướng cho các dự án” - ông Sinh nói.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ sự tin tưởng thời gian tới, nhiều dự án sẽ được tháo gỡ khó khăn. Cùng với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội thì nguồn cung cho thị trường sẽ dồi dào hơn, góp phần đưa giá nhà trở về mức phù hợp hơn so với thu nhập của người dân.

Ba khó khăn bủa vây các doanh nghiệp

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng thông tin tổng lượng tồn kho BĐS trong quý I vào khoảng 18.808 căn, nền (trong đó, chung cư là 2.572 căn; nhà ở riêng lẻ là 9.123 căn; đất nền là 7.113 nền). Tỉ trọng tồn kho chủ yếu ở loại BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp BĐS vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động.

Có ba khó khăn chính đang bủa vây các doanh nghiệp. Thứ nhất là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Thứ hai là lãi suất cho vay, tỉ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao. Thứ ba là một số tập đoàn, doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới