Nguy cơ cháy nổ từ những căn nhà thiếu lối thoát hiểm

(PLO)- Việc người dân tự ý cơi nới, xây dựng rào chắn phía ngoài ban công ở một số chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM có thể dẫn đến không đảm bảo an toàn, không có lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo ghi nhận của PV, tại một số chung cư cũ ở TP.HCM như chung cư 537, khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), chung cư Bàu Cát 1 (quận Tân Bình)… có rất nhiều căn hộ thiếu lối thoát hiểm thứ hai từ phía ban công.

Nguyên nhân là do các hộ dân hàn kín các cửa sổ, ban công bằng khung sắt với mục đích chống trộm, đảm bảo an toàn cho trẻ… Tuy nhiên, cách làm này tiềm ẩn nguy hiểm khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Đề phòng trộm cắp nhưng bít lối thoát hiểm

Ghi nhận tại khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh), nhìn từ phía ngoài vào có thể thấy đa số các lô chung cư tại đây đều được bao bọc bởi các rào chắn kiên cố, thậm chí một số hộ dân còn cơi nới, biến rào chắn thành một chiếc lồng sắt to, nhô ra mặt ngoài chung cư trông mất vẻ mỹ quan đô thị, đồng thời lại không đảm bảo an toàn khi cháy nổ.

Chia sẻ với PV, bà LTP, người dân sinh sống tại đây, cho biết: “Vì chung cư đã cũ, không có bảo vệ, người lạ thì ra vào thường xuyên nên không chỉ mình tôi mà mọi người trong chung cư đều lo sợ trộm cắp xảy ra. Vì vậy, nhà tôi có làm thêm cái khung sắt rào lại phía sau ban công cho yên tâm, dù biết làm như vậy cũng rất nguy hiểm nếu có sự cố xảy ra nhưng giờ biết làm sao hơn vì tôi sợ trộm sẽ theo đường đó mà vào nhà”.

Một số căn hộ tại khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được dựng rào chắn ở ban công, bít lối thoát hiểm. Ảnh: TRẦN MINH
Một số căn hộ tại khu chung cư Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được dựng rào chắn ở ban công, bít lối thoát hiểm. Ảnh: TRẦN MINH

Tương tự, tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), các căn hộ liền kề nhau đều được rào chắn kín bưng, một số hộ cũng cơi nới thêm những chiếc lồng sắt phía ngoài ban công, không có lối thoát hiểm phía ban công.

Bà NTS, sinh sống tại chung cư, cho biết do diện tích nhà quá nhỏ nên bà đã tận dụng khoảng không phía ngoài ban công rào một khung sắt lớn làm nơi chứa đồ đạc, phơi quần áo, trồng rau...

“Cái này tôi làm cũng được mấy năm rồi, ngoài việc tận dụng để đồ thì làm như vậy cũng giúp phòng, chống trộm cắp. Vả lại nhà có mấy đứa nhỏ, nếu tụi nó ra ngoài đó thì có cái khung sắt chắn lại cũng yên tâm” - bà S nói.

Hướng dẫn cách làm rào chắn an toàn

Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường 27, quận Bình Thạnh cho biết việc cơi nới ban công hoặc rào kín bằng lưới sắt, khung kim loại, lấn chiếm diện tích, không gian chung là sai quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trường hợp tại khu chung cư Thanh Đa, việc làm rào chắn ở phần ban công sau của các hộ dân là để đảm bảo chống trộm cắp, trẻ em nghịch ngợm leo trèo. Việc này không ảnh hưởng không gian chung nên rất khó để xử lý, đồng thời đa phần các chung cư này đã cũ và rất lâu đời, kết cấu đó đã có từ lâu.

Vị đại diện cho biết thêm trước đây, trên địa bàn phường cũng đã có vài trường hợp lập biên bản xử phạt hành chính đối với hộ dân tự ý cơi nới ra khoảng phần không gian ngoài hơn 1 m.

“Trong thời gian tới, phường sẽ tăng cường tuyên truyền và vận động người dân hiểu về những hệ lụy khi xây dựng, cơi nới, bịt kín rào chắn ban công nếu cháy nổ xảy ra. Đồng thời cũng sẽ có các kế hoạch lâu dài về việc di dời các chung cư cũ, xuống cấp theo chỉ đạo của TP” - vị đại diện thông tin.

Theo đó, đại diện phường 2, quận 10 cũng cho biết theo quy định PCCC, căn hộ chung cư không được lắp lồng sắt ở ban công, cửa sổ để đảm bảo công tác cứu hộ khi sự cố xảy ra.

Rào chắn của một số hộ ở khu chung cư Thanh Đa còn cơi nới ra phần diện tích phía ngoài ban công. Ảnh: TRẦN MINH
Rào chắn của một số hộ ở khu chung cư Thanh Đa còn cơi nới ra phần diện tích phía ngoài ban công. Ảnh: TRẦN MINH

Tại địa phương, phường đã nhiều lần thực hiện xử lý các trường hợp này bằng biện pháp nhắc nhở. Đối với các hộ dân chung cư xây dựng rào chắn chiếm không gian trên trời, phường đã xử phạt 60 triệu đồng và yêu cầu tháo gỡ.

“Trên thực tế đặc thù địa bàn phường có nhiều chung cư cũ lâu đời, có dấu hiệu xuống cấp và kết cấu các chung cư này khi xây dựng đã không tính đến phương án ban công là một lối thoát hiểm khi lỡ có cháy xảy ra. Vì vậy, khá nhiều trường hợp làm ban công như thế, thậm chí có những hộ đã làm trước cả khi có luật quy định nên xử lý triệt để là không thể.

Hiện nay, phường đang tập trung tuyên truyền hệ lụy của việc làm các ban công bằng khung sắt kín không thoát được khi có cháy, tỉ lệ tử vong cao. Thay vào đó, nếu cần thiết để đảm bảo chống trộm cắp, an toàn cho trẻ thì phải làm dạng lưới sọc bằng chất liệu dễ cắt” - đại diện phường 2, quận 10 cho hay.

Những vụ cháy thương tâm do thiếu lối thoát hiểm

• Chiều 12-5, xảy ra vụ cháy cơ sở kinh doanh quán bar tại phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ba người tử vong. Nguyên nhân ban đầu: Do quán thiết kế kiểu nhà ống khép kín, cao bốn tầng, chỉ có một cửa thoát phía trước, tầng 2 là biển quảng cáo che kín nên lửa bốc lên dữ dội và khói bao trùm khu vực.

• Sáng 13-5, tại phố Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội đã xảy ra vụ cháy nhà bốn tầng khiến bốn người trong một gia đình tử vong.

Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy có thể là do chập điện. Căn nhà xảy ra cháy có diện tích khoảng 40 m2, cao ba tầng, một tum, mặt tiền của ngôi nhà từ tầng 2 đến tầng 3 đều được lắp kín khung sắt bảo vệ nên gây cản trở cho việc thoát hiểm cũng như cứu người, dập lửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm