Không khó để bắt gặp những gói bim bim không nhãn mác, không xuất xứ nguồn gốc lẫn hạn sử dụng trên khắp các con phố. Chỉ từ 5.000 đồng người tiêu dùng đã có thể sở hữu một túi 500 g mà không hề lo lắng gì đến chất lượng.
Điều đáng lo ngại, ngay cả người bán cũng trấn an người mua bằng cách cho rằng những gói bim bim kia là hàng mới nhập, đảm bảo về ngày sử dụng. Chúng tôi tiếp cận một người bán rong trên đường Hoàng Sa, người này cho biết: “Hàng bỏng ngô và bim bim lấy bán trong ngày. Hàng từ bịch to, rồi chiết ra bịch nhỏ bán kiếm lời”. Tuy nhiên, thực hư thì người tiêu dùng không thể nắm rõ.
Những gói bim bim không nhãn mác, nguồn gốc và hạn sử dụng vẫn được người tiêu dùng vô tư sử dụng. Ảnh: Nguyên Hà
Mới đây, một phóng sự điều tra của ANTV đã ghi lại những hình ảnh sản xuất không đảm bảo của các loại bim bim giá rẻ đang được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay. Theo đó, phóng viên đã thâm nhập vào một số cơ sở sản xuất tại Hà Nội để ghi nhận các phụ gia thực phẩm, nguyên liệu sử dụng không an toàn và quá trình phơi bim bim rải rác ngay bên lề đường đầy khói bụi.
Cụ thể, một cơ sở sản xuất bim bim tại Dương Liễu - Hoài Đức, Hà Nội, người sản xuất dùng rất nhiều loại phụ gia, phẩm màu không rõ chất lượng nguồn gốc để cho ra thành phẩm. Thậm chí ở một cơ sở khác tại Hoài Đức - Hà Nội còn kinh hãi hơn, khi có thêm một loại nguyên liệu khác là bao tải bột thức ăn cho lợn để sản xuất bim bim.
Bim bim được làm từ thức ăn... cho heo. (Ảnh cắt từ phóng sự của ANTV)
Hấp thu 5 lít dầu nếu ăn bim bim mỗi ngày
Nói về mối lo sản phẩm ăn vặt này mang lại cho sức khỏe, GS Peter Weissberg, Giám đốc y tế của BHF, trả lời trên tờ Daily Mail cho biết nếu mỗi ngày ăn một gói bim bim thì một năm, cơ thể của trẻ sẽ hấp thụ khoảng 5 lít dầu. Một túi lớn hơn sẽ tăng lượng dầu lên 3,5 thìa.
Vị này cũng cho biết dầu, mỡ động vật chiên ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các chất độc hại không tốt cho sức khỏe. Đó là chưa kể trong món ăn vặt này còn chứa nhiều phụ gia tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
Thêm vào đó bim bim có thể mang lại cảm giác no tạm thời cho người ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ, khiến trẻ biếng ăn vào bữa chính. Trong khi giá trị dinh dưỡng của loại thức ăn vặt này gần như bằng 0, chúng còn chứa lượng lớn calo có hại và chứa nhiều muối và đường. Việc ăn hằng ngày các loại bim bim là một thói quen xấu, mà theo GS Peter Weissberg dễ gây ra bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách Khoa), cũng bày tỏ mối lo ngại với bim bim giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi rất có thể loại sản phẩm này chứa các chất phụ gia như tạo màu, tạo mùi, tạo vị và chất tẩy trắng có hại. “Nếu trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng những loại chất tạo màu không thuộc danh mục của Bộ Y tế cho phép thì chắc chắn sẽ gây hại ít nhiều cho người ăn”, vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, việc chiên bim bim trên dầu ăn cũng là mối nguy lo nếu bị chiên dầu ở nhiệt độ cao và tái sử dụng dầu nhiều lần để chiên sản phẩm khác. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trả lời trên báo chí, nếu bim bim được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất béo thể đồng phân. Khi tỉ lệ chất béo này chiếm 5%-10% trở lên trong tổng lượng chất béo của khẩu phần ăn hàng ngày cho một người thì dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tim mạch, tăng huyết áp.
Không chỉ thế sử dụng dầu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra các chất độc có hại cho cơ thể trong đó có andehit, aclorein. Những chất độc này khi đi vào cơ thể sẽ gây ngộ độc trường diễn-gây nguy hiểm nhiều lần so với ngộ độc cấp tính.