Như thông tin đã đưa, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nguyên Chủ tịch VCCI - đã qua đời vào sáng 5-8 tại Hà Nội, hưởng thọ 64 tuổi.
Trên mạng xã hội, việc ra đi của ông Vũ Tiến Lộc đang để lại nhiều tiếc thương từ những người có thời gian cộng tác, làm việc hoặc tiếp xúc với vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân này.
Góp công đưa cụm từ doanh nhân vào Hiến pháp
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi nghe tin ĐBQH Vũ Tiến Lộc đột ngột qua đời cảm thấy bàng hoàng. "ĐBQH Vũ Tiến Lộc là một trong những tiếng nói khá nổi bật trên nghị trường về các vấn đề doanh nghiệp - doanh nhân nói riêng và các vấn đề kinh tế - xã hội", ông Phúc chia sẻ với PLO.
Nhớ lại thời gian soạn thảo Hiến pháp 2013, ông Phúc lúc đó là Phó Trưởng ban Biên tập, phụ trách chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Ông Vũ Tiến Lộc lúc đó là Chủ tịch VCCI chính là "đầu vào" cho các ý tưởng liên quan đến cách diễn đạt về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
Theo ông Phúc, "doanh nghiệp" đã xuất hiện trong Hiến pháp 1992, nhưng đưa thêm “doanh nhân” vào Hiến pháp 2013 vẫn còn ý kiến khác nhau. Cuối cùng, nhờ sự đóng góp của nhiều người, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp mà ông Vũ Tiến Lộc là một tiếng nói đại diện quan trọng, thì “doanh nhân” đã có một vị trí xứng đáng.
Lần đầu tiên, cụm từ này được đưa vào Hiến pháp, thành một khoản tại Điều 51 hiện hành: "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa".
Con đường để "doanh nhân" được ghi nhận, khẳng định, đi vào Hiến pháp không hề dễ dàng. Những năm trước đây người ta ít khi gọi là doanh nhân khi nhắc tới các hộ kinh doanh, người kinh doanh. Phải đến năm 2004, sau nỗ lực rất lớn của lớp lãnh đạo VCCI trước đó, rồi trong đà nhận thức mới về quyền tự do kinh doanh lần đầu tiên được khẳng định bởi Luật Doanh nghiệp 1999.
Trong năm đầu tiên Chủ tịch VCCI ông Lộc, đã đề xuất, kiến nghị, và được Thủ tướng Chính phủ lúc ấy chấp thuận, ra Quyết định lấy 13-10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ngày ấy được lấy theo sự kiện 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi giới công thương Việt Nam tham gia "công cuộc ích quốc lợi dân".
Sau này, trong nhiều phát biểu và trả lời báo chí nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc vẫn tự hào: “Tôi rất vui mừng vì doanh nhân hiện không còn bị gọi là “con buôn”, là “thằng bán tơ” hoặc bằng những từ không đẹp… mà đã có vị trí xứng đáng trong Hiến pháp, trong nền kinh tế cũng như trong đánh giá của cả xã hội”.
Cũng trong những nhiệm kỳ ông Lộc làm Chủ tịch VCCI, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vấn đề đạo đức kinh doanh đã được xới xáo, đưa ra thảo luận. Trả lời PLO dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2016, vị Chủ tịch VCCI nhắc lại câu hỏi của một chủ tịch tỉnh đặt ra với mình: “Liệu yêu cầu doanh nhân kinh doanh bằng trái tim có xa xỉ trong thời buổi hiện nay không?”.
"Tôi trả lời rằng không xa xỉ chút nào. Bởi nếu kinh doanh bằng trái tim thì đó mới là kinh doanh bền vững", ông Lộc kể lại. Lập luận của ông rất đơn giản: “Mục tiêu phải là phụng sự con người và xã hội không phải là khẩu hiệu sáo mòn, là thứ hàng xa xỉ, mà là chân lý thành công của doanh nhân! Tức doanh nhân nỗ lực làm giàu một cách văn minh, liêm chính với sức cạnh tranh cao”.
“Doanh nhân – người lính thời bình”
Tham gia Quốc hội hai nhiệm kỳ liên tiếp, ngay cả khi đã nghỉ hưu, ĐBQH Vũ Tiến Lộc vẫn luôn khẳng định dấu ấn trên nghị trường, trên các diễn đàn lớn, bằng các phát biểu, kiến nghị vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, vì công cuộc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập.
Có những phát biểu của ông trở thành “kinh điển”. Đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tháng 5-2017 là một lần như vậy. Trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người chủ trì cuộc đối thoại, ông Vũ Tiến Lộc đã có một bài phát biểu dài, sau được báo chí dẫn lại nhiều lần: "Hàng loạt thủ tục hành chính, quy định mang tính cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đến ngay cả hãng máy bay Boeing cũng không thể đáp ứng nổi điều kiện kinh doanh của Việt Nam”.
Đau đáu với việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn với các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, ông Lộc từng phát biểu công khai rằng: “Tôi luôn có một điều ước giản dị, giá như doanh nghiệp nước mình không phải gian nan đối phó với thủ tục để toàn tâm toàn ý đối diện với thị trường thì đất nước sẽ còn phát triển đến đâu!”.
VCCI trong giai đoạn ông Lộc làm Chủ tịch đã kiên trì, nhẫn nại tiến hành những cuộc điều tra xã hội học quy mô lớn đầu tiên theo phương pháp hiện đại, làm cơ sở xây dựng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Từ những năm đầu bị chỉ trích, thậm chí là kỳ thị từ phía chính quyền, những chất vấn của Bí thư Tỉnh ủy "làm sao doanh nghiệp lại đánh giá ủy viên trung ương", PCI đã trở thành một phần sổ tay của lãnh đạo nhiều tỉnh, trong cuộc đua tranh phát triển cho chính địa phương mình.
Từng bước, từng bước như thế, thông điệp “doanh nhân - người lính thời bình” của ông Lộc đã dần dần đi vào nhận thức mới của Đảng. Gần 20 năm sau khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, tháng 10-2023, lần đầu tiên Bộ Chính trị ra một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp cả trong đối nội và đối ngoại
Trong công cuộc Đổi mới, doanh nghiệp - doanh nhân ngày càng khẳng định vị thế của mình, không chỉ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn cả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại.
Là Chủ tịch VCCI - tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cũng từng là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC năm 2006, 2017 và sáng lập, điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh hàng năm của Việt Nam trong nhiều năm.
VCCI dưới thời ông Lộc cũng tham gia tích cực vào quá trình đàm phán, rồi triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn quy mô quốc gia, góp phần đưa nhiều dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế.
Ông Lộc cũng thường xuyên chủ trì nhiều diễn đàn, đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn kinh doanh lớn ở Việt Nam, nước ngoài. Ông là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) năm 2006, 2017; sáng lập và điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh hàng năm của Việt Nam (VBS) trong nhiều năm.
Ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh Châu Á Thái Bình Dương APEC (ABAC), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (PECC), thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Thế giới (WFC).
Ông Vũ Tiến Lộc sinh năm 1960, tại xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế, cao cấp lý luận chính trị, từng giảng dạy tại nhiều trường đại học trong và ngoài nước.
Trước khi về VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), ông Lộc từng là cán bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, một cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ KH&ĐT.
Ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch VCCI trong 18 năm, giai đoạn 2003-2021. Ở cương vị này cũng như khi đã nghỉ quản lý, ông còn tham gia nhiều cơ cấu chính trị, chuyên môn như Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối tác công tư của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).