Nguyễn Phương Hằng ‘ảo tưởng sức mạnh’, tự lựa chọn kết cục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Công an TP.HCM hôm 24-3 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015.

Thông tin bà Hằng bị bắt gây xôn xao dư luận. Bởi suốt một năm qua, bà Hằng là một hiện tượng mạng xã hội gây tranh cãi, có nhiều phát ngôn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cá nhân.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: CACC

Tiến sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, chia sẻ với PLO một vài ý kiến xung quanh việc bà Hằng bị áp dụng các biện pháp tố tụng nêu trên.

“Trước hết, bà Hằng là người mà tôi có ít nhiều thiện cảm, bởi những việc làm từ thiện, nhân đạo khá tích cực trong những năm vừa qua của bà cũng như gia đình bà. Tuy vậy, xét ở góc độ vụ án này, tôi cho rằng nguy cơ bà Hằng bị xử lý hình sự đã hiện hữu sau những thứ bà công bố trên mạng xã hội được cơ quan chức năng kết luận rằng không có căn cứ” – Trung tá Hiếu nói.

Theo ông, mấy năm qua, việc bà Hằng tố đích danh sai một số người đã gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ trên truyền thông phi chính thống, khiến dư luận xã hội dậy sóng và cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành phố đã phải mất nhiều công sức vào cuộc điều tra xác minh.

Thời gian đầu, nhiều người cảm thấy lôi cuốn và thích thú với thông tin độc lạ mà bà Hằng đưa ra, vì được thỏa mãn sự tò mò. Hơn nữa, góc nhìn của người phát ngôn tạo cảm giác đứng từ lợi ích của nhiều người dân.

Cần lưu ý rằng, quyền tự do ngôn luận của công dân được pháp luật nước ta bảo hộ, được ghi nhận trong hiến pháp như một bộ phận của quyền con người. Thế nhưng, nội dung, thông điệp đưa ra thế nào, có phục vụ lợi ích của xã hội, tốt cho cộng đồng hay xâm hại đến cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì lại phải xem xét.

Quan sát phát ngôn của bà Hằng trong cả một quá trình, dễ nhận thấy thời gian đầu bà nói ở một chừng mực có thể chấp nhận được, như kể về những giấc mơ. Cách nói ám chỉ không trực tiếp xâm hại danh dự, nhân phẩm của người được đề cập.

Nhưng càng về sau, dường như bị ảo giác bởi những tung hô của cộng đồng mạng, bà hăng hái “bóc phốt” nhiều người, với ngôn từ không phù hợp, làm đối tượng bị công kích cảm thấy tổn thương. Không dừng lại trước các cảnh báo, bà tiếp tục đẩy câu chuyện đi quá xa, với những cáo buộc khá cụ thể, mang mầu sắc đấu tố cá nhân.

“Nghe bà nói trên livestream, tôi có cảm giác bà đang tự cho mình vị trí của người phán xử, thế thiên hành đạo” – vị trung tá chia sẻ.

Tiến sỹ, Trung tá Đào Trung Hiếu. Ảnh: NVCC

Theo ông Hiếu, những phát ngôn không theo các tiêu chí văn hoá, đạo đức, với tâm trạng khá kể cả bề trên, hay hằn học miệt thị… đã gây ra một bầu không khí khá nặng nề trong sinh hoạt trên mạng xã hội.

Nhiều người từ ủng hộ việc mạnh dạn lên tiếng tố cáo ban đầu, đã cảm thấy bà Hằng đã đi quá giới hạn cho phép của quyền tự do ngôn luận.

Dường như sự tung hô của một bộ phận đông đảo công chúng đã khiến bà ảo tưởng sức mạnh, dẫn đến sự tuỳ tiện, coi thường các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Việc tố người khác với những con số “như thật”, những sự kiện tưởng chừng có thật, đã đẩy những người bị tố cáo bị xã hội nghi kỵ và thật khó thanh minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ. Đồng thời tạo ra một trào lưu xấu trong giao tiếp trên không gian mạng.

“Nhiều người kể với tôi rằng bọn trẻ trong nhà đã hấp thụ thói nanh nọc, cạnh khoé, mạt sát, dè bỉu giá trị của người khác sau khi cuốn theo phát ngôn của bà này. Đó là một trong những hậu quả về khía cạnh văn hoá” – ông cho hay.

Vẫn theo vị trung tá, khi bà Hằng tố đích danh một số người biển thủ tiền từ thiện, với những con số khá cụ thể trên các livestream, ông đã nghĩ đến khả năng bà bị xử lý hình sự, nếu những cáo buộc đó được xác định là không có cơ sở. Đến nay, mọi chuyện đã diễn ra đúng theo phán đoán này. Những người bị tố cáo có quyền lên tiếng, đòi hỏi một sự minh oan từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đánh giá tội danh mà bà Hằng bị khởi tố, Trung tá Hiếu thấy “có sự thỏa đáng”. Ông nhận định câu chuyện có thể không dừng lại với tội danh này nếu kết quả điều tra xác định đương sự có thêm các sai phạm khác đến mức phải xử lý hình sự.

“Ngay sau khi thông tin bà Hằng bị bắt, một người bạn bảo tôi “chính bà đã lựa chọn cho mình kết cục này, dường như bà đã ép pháp luật phải cho bà thấy giới hạn của quyền tự do”.

Có lẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã cho bà quá nhiều cơ hội để dừng lại, nhưng bà đã không chọn phương án tốt nhất cho mình. Thế nên kết cục này là lẽ tất yếu khi một người tự cho phép quyền tự do của mình chà đạp lên quyền tự do của người khác” – ông Hiếu nói.

Bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật

Theo cơ quan công an, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác.

Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
Công an TP.HCM bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng
(PLO)- Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.