Ngày 19-4, Ban tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” sẽ diễn ra tháng 6 thông tin, hiện nay hàng loạt các nhà phân phối, nhà bán lẻ hàng đầu tại khu vực Mỹ La tinh đã đăng ký tham dự.
Các nhà bán lẻ kỳ vọng cao trong thu mua số lượng lớn với đa dạng nhóm hàng tại sự kiện năm nay.
Đơn cử như Falabella hiện là nhà bán lẻ lớn nhất tại khu vực Mỹ La tinh với hệ thống 577 cửa hàng và trung tâm thương mại hoạt động tại Chile, Argentina, Brasil. Colombia, Mexico, Peru, Uruguay.
Năm 2023, nhà bán lẻ này đã cử đoàn thu mua tham dự và tìm được đối tác cung ứng tại Việt Nam trong lĩnh vực quần áo và dụng cụ thể thao.
Qua đó đưa sản phẩm Made in Viet Nam tiếp cận trực tiếp với 35 triệu khách hàng thường xuyên trong hệ thống cửa hàng của hãng tại khu vực Mỹ La tinh.
Nhà bán lẻ Falabella năm nay kỳ vọng mở rộng thu mua sang các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ thể thao đến đồ điện gia dụng, đồ dùng gia đình.
Tương tự, nhà bán lẻ Walmart với hàng loạt các siêu thị tại khu vực Mỹ La tinh cho biết, tại sự kiện năm 2024 sẽ tập trung thu mua nhóm hàng dệt may, da giày, hàng nội ngoại thất, hàng gia dụng, đồ chơi đến các mặt hàng thực phẩm đông lạnh… để phục vụ nhu cầu người dân khu vực này.
Theo ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico, năm ngoái đã đưa hai tập đoàn lớn tham dự sự kiện, đã tiếp cận kí kết hợp đồng mua được gạo.
Năm nay, tập đoàn Coppel có 1.700 điểm bán hàng trên toàn lãnh thổ Mexico. Mỗi năm tập đoàn này có nhu cầu nhập khẩu hơn 13. 000 container hàng hóa chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ tháng 8-2023 Mexico quyết định tăng thuế cho hơn 300 mặt hàng đối với những nước không kí kết FTA với quốc gia này. Do vậy, Việt Nam đang là sự lựa chọn hàng đầu của tập đoàn Coppel.
Theo ghi nhận, tập đoàn Coppel đã đặt dây thép DMI và giá tivi của Việt Nam.
"Tập đoàn này muốn nhập lốp ô tô Việt Nam với số lượng 500.000 lốp/năm. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu quần áo có thể lên đến 200 triệu sản phẩm/năm; giày dép 65 triệu đôi/năm… Tuy nhiên, sau ba năm vào Việt Nam nhà bán lẻ này vẫn chưa tìm được nhà xuất khẩu có thể đảm bảo nhu cầu của họ.
Vì vậy, mong Bộ Công thương nhanh chóng hỗ trợ tìm các nhà sản xuất lốp ô tô Việt Nam để cung cấp cho nhà bán lẻ này nghiên cứu trước chuẩn bị cho sự kiện 2024”-ông Khang nói.
Ông Khang thông tin thêm một mặt hàng nữa được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp Mexico là sơ mi rơ móc chở container.
Mexico đang xây dựng đường sắt xuyên biển kết nối hai bờ Đông Tây. Thương vụ đang hỗ trợ tập đoàn Thaco có thể đi đến thỏa thuận bán hàng sang Mexico. Hy vọng hai bên sẽ kí kết trong sự kiện năm 2024.
Ngoài Mexico, thương vụ đang đẩy mạnh xúc tiến sang thị trường Panama và Thaco đang chuẩn bị xuất xe chở container sang thị trường này.
Theo Bộ Công thương, khu vực Mỹ La tinh có 33 quốc gia, dân số hơn 670 triệu người, GDP khoảng 6.500 tỉ USD, nhu cầu nhập khẩu lên tới gần 1.500 tỉ USD là thị trường đầy tiềm năng đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” diễn ra từ 6 đến 8-6 với số lượng DN tham gia và quy mô tăng gần gấp đôi so với lần tổ chức đầu tiên.
Theo đó, các nhà bán lẻ lớn tại khu vực Mỹ La tinh cùng nhiều hãng phân phối từ khắp các châu lục kỳ vọng sẽ tìm được nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam để đưa vào hệ thống và xuất khẩu.