Từ ngày 1-7 đến hết năm 2023, theo Nghị định 41/2023, lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được giảm 50%. Đây là lần thứ hai Chính phủ áp dụng chính sách này với kỳ vọng kéo bật sức mua trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ô tô gặp nhiều khó khăn.
Kết quả của lần áp dụng đầu (năm 2022) đã giúp thị trường ô tô bứt phá sau thời kỳ khó khăn vì dịch COVID-19, doanh số bán hàng tăng vọt. Với yếu tố tích cực đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước hồi phục, thậm chí tăng thu ngân sách.
Giảm 50% lệ phí trước bạ là một trợ lực không chỉ giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh ảm đạm mà còn giúp các doanh nghiệp ô tô trong nước giảm bớt áp lực dòng tiền cũng như có thêm thời gian, nguồn lực cân đối chi phí duy trì sản xuất. Một trợ lực nữa cho ngành ô tô trong nước khi trong tháng 6-2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 36/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho các doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận bối cảnh nền kinh tế nửa đầu năm 2023 khác với năm 2022 khi đối mặt với nhiều khó khăn về yếu tố lạm phát toàn cầu, sản xuất và kinh doanh trong nước nói chung gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng, thu nhập giảm, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn rất cao nên việc mua ô tô lúc này sẽ phải cân nhắc rất nhiều.
Do đó, ngoài hai trợ lực kịp thời từ Chính phủ giúp giá ô tô đến tay người dân rẻ hơn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng so với trước thì vẫn cần thêm trợ lực thứ ba đến từ chính các đại lý ô tô nhằm kích cầu, thu hút người tiêu dùng hơn. Cụ thể, các hãng xe, đại lý phân phối cần tiếp tục có nhiều chính sách khuyến mãi, tự điều chỉnh giảm giá xe, chiết khấu, cắt giảm lợi nhuận, tăng thêm nhiều quà tặng, tặng các gói bảo hiểm, dịch vụ bảo dưỡng… Đặc biệt, cần kết hợp với ngân hàng có gói vay lãi suất hợp lý, vừa sức trả của người dân.
Đừng như những lần trước đây, khi Chính phủ triển khai giảm 50% lệ phí trước bạ cũng là lúc các đại lý xe… cắt hết các chính sách khuyến mãi, ưu đãi đối với khách hàng.
Nhìn về lâu dài, giảm lệ phí trước bạ cũng chỉ là giải pháp mang tính thời điểm hỗ trợ ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Để ổn định sản xuất và đầu ra, cạnh tranh với làn sóng xe nhập khẩu giá tốt gia tăng mỗi năm từ các nước Indonesia, Thái Lan, ngành ô tô trong nước cần có những giải pháp dài hơi về giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Và muốn làm điều đó, các chuyên gia cho rằng cần những chính sách tăng được tỉ lệ nội địa hóa, “buộc” các hãng xe phải đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất những linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam nhiều hơn.
Ngoài ra, để giúp giá xe trong nước cạnh trạnh hơn với xe nhập khẩu thì thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có lượng phát thải khí CO2 thấp thì đóng mức thuế thấp và ngược lại, thuế cao với xe gây ô nhiễm môi trường hơn.