Nhà ga 20 triệu khách gỡ thế quá tải cho Tân Sơn Nhất

(PLO)-Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam nhiều lần khẳng định đã chuẩn bị vốn (11.000 tỉ đồng) để khi nhận bàn giao đất sẽ khởi công ngay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nhà ga 20 triệu khách gỡ thế quá tải cho Tân Sơn Nhất

TP.HCM là cửa ngõ giao thông phục vụ hoạt động giao thương, kinh tế, ngoại giao và đón khách quốc tế, lượng khách đi lại bằng đường hàng không tăng không ngừng khiến sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Do vậy, dự án nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm được kỳ vọng sẽ giảm tải tại sân bay lớn nhất cả nước, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc đang dồn vào đường Trường Sơn - tuyến đường chính dẫn vào sân bay.

Hành khách than phiền tình trạng ùn tắc, khó đón xe tại sân bay Tân Sơn Nhất do không gian chật hẹp. Ảnh: P.ĐIỀN

Hành khách than phiền tình trạng ùn tắc, khó đón xe tại sân bay Tân Sơn Nhất do không gian chật hẹp. Ảnh: P.ĐIỀN

Cơ hội tốt để triển khai dự án

Mất nhiều thời gian chờ đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất trong các chuyến công tác, ThS Nguyễn Việt Khoa, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét thời gian qua, đặc biệt cao điểm lễ, tết, tình trạng hủy, trễ chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất khá phổ biến. Điều này thôi thúc sân bay Tân Sơn Nhất cần mở rộng hạ tầng, không gian phục vụ hành khách để đảm bảo chất lượng dịch vụ hàng không, ít nhận lời than phiền hơn từ khách hàng và hình ảnh đẹp, tiện ích trong mắt khách quốc tế.

Từ đó, ThS Khoa đề xuất cần đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng để xây nhà ga T3, bởi nhà ga này ít nhất cũng đáp ứng nhu cầu trong 10 năm tới. Đây là cơ hội tốt để triển khai dự án, bởi trong bối cảnh nhiều bất ổn chính trị trên thế giới, Việt Nam đang là điểm đến an toàn để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.

Chưa kể, 10 năm gần đây TP.HCM chưa có công trình tầm cỡ để mở ra không gian phát triển, cải thiện không gian công cộng và kết nối giao thông nội đô. Theo đó, khi xây nhà ga này cần dự liệu khách tăng như thế nào để tính toán mở rộng hệ thống hạ tầng kết nối tương quan, vừa chỉnh trang đô thị của một TP năng động, đầu tàu của cả nước về kinh tế.

Đồng thời, cần tính toán không gian để mở rộng các hoạt động phi hàng không mang lại lợi ích kinh tế, hấp dẫn khách du lịch. “Từ nhiều yếu tố trên để thấy không thể kéo dài dự án này thêm mà cần đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ nhằm cải thiện hình ảnh, chất lượng dịch vụ một sân bay quốc tế thân thiện, chuyên nghiệp trong mắt hành khách” - ThS Khoa kiến nghị.

Đây là cơ hội tốt để triển khai dự án, bởi trong bối cảnh nhiều bất ổn chính trị trên thế giới, Việt Nam đang là điểm đến an toàn để thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.

Mở ra một không gian kết nối rộng lớn

Một chuyên gia lĩnh vực giao thông và hàng không đánh giá các dự báo hàng không tiếp tục tăng mạnh, dự kiến đến năm 2030 tăng 3,8%. Tân Sơn Nhất là cảng hàng không cửa ngõ còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên hiện đã vượt công suất thiết kế 30 triệu khách lên 40 triệu khách/năm. Ngoài ra, nhà ga T3 mở thêm hướng tiếp cận sân bay thay vì một lối vào gây xung đột do luồng khách đi/đến như hiện tại, dồn vào đường Trường Sơn, dễ gây ùn tắc cả trong và ngoài sân bay.

Theo vị chuyên gia, dự án này sẽ giúp điều phối linh hoạt và thuận lợi hơn trong việc điều tiết giao thông kết nối các tuyến đường xung quanh dẫn vào cảng. Dự án này kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông sáu làn trục Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn sẽ cải thiện nhiều hơn cho giao thông khu vực và cả sân bay, đáp ứng nhu cầu đi/đến của hành khách thuận lợi hơn hiện tại nhiều lần.

TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh sân bay Long Thành đang xây dựng thì nhà ga T3 với thiết kế 20 triệu khách/năm sẽ giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất do thời gian qua lượng khách vượt công suất thiết kế, gây ùn tắc, khách đi/đến chật vật.

TS Châu đánh giá nhà ga T3 không chỉ cứu vãn tình thế trước mắt mà về lâu dài còn gánh một phần khá lớn cho sân bay Long Thành do thời gian thi công dài hơn. Điều quan trọng là tháo gỡ tình trạng quá tải, gây ùn tắc, nhất là các giai đoạn cao điểm khách đi lại đông đúc.

Từ đó, TS Châu kiến nghị tập trung đầu tư các cảng hàng không lớn để phát triển năng lực toàn mạng, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực. Đồng thời nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế cửa ngõ như Nội Bài, Chu Lai, Cam Ranh để không rơi vào cảnh quá tải như Tân Sơn Nhất.•

Mong chờ nhà ga T3 sớm triển khai

Một đại diện của Cảng vụ hàng không miền Nam chia sẻ ngành hàng không đang mong chờ dự án này sớm triển khai để giải tỏa tình trạng ùn tắc bầu trời, nhà ga và giao thông kết nối vào nhà ga hiện hành.

Tân Sơn Nhất là sân bay cửa ngõ với lượng khách đi lại đông đúc đạt 40 triệu khách/năm trong khi hạ tầng giới hạn, kéo theo chất lượng dịch vụ hàng không sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong cao điểm hè, tết, hành khách mất nhiều thời gian chờ đợi, bắt xe khó khăn, tình trạng chèo kéo khách khiến hình ảnh một sân bay quốc tế, cửa ngõ giao thương, ngoại giao, tiếp nhận luồng khách du lịch quốc tế chưa bài bản, chuyên nghiệp.

Theo vị này, nhà ga T3 hoàn thành cũng sẽ giảm áp lực cho phương tiện, khách đi máy bay dồn vào đường Trường Sơn. Do vậy, thời gian qua, ngành hàng không đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để dự án này sớm khởi công. Theo quy trình UBND TP.HCM sau khi tiếp nhận bàn giao 16,05 ha từ Bộ Quốc phòng để cập nhật đất giao thông rồi bàn giao cho Cảng vụ hàng không miền Nam, tiếp đó đơn vị này sẽ giao cho ACV triển khai dự án.

“Hạ tầng hàng không, giao thông kết nối tốt sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không, người dân đi lại sẽ thuận lợi và hình ảnh tốt cho cả sân bay Tân Sơn Nhất và TP.HCM” - vị này nhận xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm