Nhà khoa học TQ và Mỹ: TQ rủi ro mất 1,5 triệu người nếu bỏ zero COVID-19

(PLO)- Theo các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ, một khi từ bỏ chính sách zero COVID-19, Trung Quốc có rủi ro mất 1,5 triệu người vì dịch bệnh nếu không có biện pháp bảo vệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo một nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Trung Quốc (TQ) và Mỹ tiến hành và được công bố trên tạp chí Nature Medicine, TQ có nguy cơ mất hơn 1,5 triệu người vì đại dịch nếu nước này từ bỏ chính sách zero COVID-19 mà không có biện pháp bảo vệ.

Các tác giả chính của nghiên cứu là các nhà khoa học đến từ ĐH Phúc Đán ở TQ, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Rủi ro nếu bỏ zero COVID-19 và cách giảm thiểu

Các nhà khoa học TQ và Mỹ đã dựa trên dữ liệu thu thập trên toàn thế giới về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron để đi đến dự báo về rủi ro của TQ một khi nước này từ bỏ zero COVID-19 mà không có biện pháp bảo vệ. Theo đó, một khi TQ làm thế, nhu cầu dân đến bệnh viện để khám và điều trị COVID-19 có thể sẽ cao hơn gấp 15 lần công suất hoạt động bình thường của các cơ sở y tế, và có nguy cơ khoảng 1,5 triệu người sẽ tử vong.

Theo các nhà khoa học, có thể giảm thiểu đáng kể rủi ro của loại bỏ hoàn toàn chiến lược zero COVID-19 với sức khỏe cộng đồng bằng cách tập trung vào các biện pháp phòng chống dịch, như tiêm chủng cho người cao tuổi.

“Mức độ miễn dịch có được từ chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 3 năm nay sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng lây lan của biến thể Omicron” - hãng tin Reuters ngày 10-5 nhận định của các nhà khoa học.

Bắc Kinh trở nên vắng lặng khi chính quyền thành phố áp lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: YAHOO NEWS

Bắc Kinh trở nên vắng lặng khi chính quyền thành phố áp lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: YAHOO NEWS

Hiện có khoảng 50% số người trên 80 tuổi ở TQ vẫn chưa được tiêm phòng, và khoảng 49 triệu người từ 60 tuổi trở lên vẫn chưa được tiêm chủng.

Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng nếu chính quyền tập trung vào việc tiêm chủng, cũng như cung cấp thuốc kháng virus trong khi vẫn duy trì một số hạn chế, số người chết có thể giảm nhiều dù nước này từ bỏ chiến lược zero COVID-19.

Một nhân viên giao hàng đứng trước một khu dân cư đang bị phong tỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9-5. Ảnh: REUTERS

Một nhân viên giao hàng đứng trước một khu dân cư đang bị phong tỏa ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9-5. Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu trên được đưa ra sau khi các cố vấn y tế cấp cao ở TQ công bố một số báo cáo cho thấy chính sách zero COVID-19 vẫn là yếu tố cần thiết để đánh bại đại dịch, song cũng cần phải dành thời gian để giảm thiểu dần các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.

Đồng quan điểm với nhóm các nhà khoa học Mỹ và TQ, ông Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại ĐH Hong Kong, cho rằng “sự sẵn có của vaccine và thuốc kháng virus mang lại cơ hội để TQ thoát khỏi zero COVID-19.

“Tôi nghĩ bây giờ họ chẳng phải chờ đợi thêm điều gì nữa” - ông nói, song vẫn cảnh báo rằng dù đã đến thời điểm thích hợp để TQ từ bỏ zero COVID-19, quá trình chuyển đổi này vẫn phải diễn ra một cách từ từ.

Trung Quốc kiên định với zero COVID-19

TQ hiện vẫn quyết liệt theo đuổi chiến lược zero COVID-19. Nhiều thành phố, nhiều khu vực đông dân cư ở TQ đã và đang phong tỏa nhằm ngăn sự lây lan của virus, chặn nguy cơ bùng phát bất kỳ đợt dịch nào, ngay cả khi chỉ một số ít người có kết quả xét nghiệm dương tính.

Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất ở TQ với dân số khoảng 25 triệu người, đã bị phong tỏa trong gần sáu tuần trước đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay.

Người dân xếp hàng chờ để được xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh vào ngày 10-5. Ảnh: AFP

Người dân xếp hàng chờ để được xét nghiệm COVID-19 ở Bắc Kinh vào ngày 10-5. Ảnh: AFP

Trong một bức thư được tạp chí y tế Lancet công bố vào ngày 7-5, một nhóm chuyên gia y tế Thượng Hải nhấn mạnh chính vai trò quan trọng của thành phố này đối với nền kinh tế quốc gia là nguyên nhân vì sao nơi này buộc phải phong tỏa hoàn toàn để tránh nguy cơ dịch lây lan.

Nhóm chuyên gia - bao gồm ông Trương Văn Hồng - nhà dịch tễ học hàng đầu TQ cho biết nếu không áp dụng zero COVID-19 và phong tỏa TP Thượng Hải, “sự lây lan của virus từ nơi này sang những nơi khác có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể tưởng tượng được”.

Theo nhóm chuyên gia này, những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt của Thượng Hải sẽ "khắc phục những yếu điểm của hệ thống miễn dịch trong dân số trên cả nước".

Một bài bình luận riêng biệt được đăng trên tạp chí chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CCDC), zero COVID-19 vẫn là một phương hướng phù hợp để ngăn chặn "một cuộc chạy đua" đối với nguồn lực y tế Trung Quốc.

"Việc áp dụng chiến lược zero COVID-19 đã giúp Trung Quốc tiết kiệm được khoảng thời gian quý báu cho tương lai. Tuy vậy, chính quyền vẫn cần phải nắm bắt cơ hội để phát triển nhiều loại thuốc và vaccine hơn” - bài bình luận nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm