Sáng 18-11, lễ trao giải cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” đã diễn ra tại Hội Nhà văn TP.HCM.
Theo đó, với mục đích cổ vũ động viên tinh thần cùng TP.HCM vượt qua những mất mát, đau thương trong đại dịch vừa qua cũng như thay thế cho Ngày thơ Nguyên Tiêu Hội Nhà văn TP.HCM đã phát động cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam”.
Cuộc thi phát động vào ngày 2-8 đến ngày 15-9-2021. Trong 45 ngày, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.500 bài thơ của gần 700 tác giả tham gia và hưởng ứng cuộc thi.
Nhà văn Bích Ngân phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: VĂN HÀ.
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi thơ nhận định: “Theo dõi tiến độ cuộc thi cũng như đọc hàng trăm bài thơ đã qua vòng sơ khảo và được đăng trang trọng trên website “Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh”, diễn đàn của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả.
Đây là những bài thơ được viết bằng cả trái tim đối với người đau thương, mất mát mà con người gánh chịu trong đại dịch cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ là riêng người của đất phương Nam mới có được”.
Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ tại buổi lễ trao giải. Ảnh: VĂN HÀ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP.HCM, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, cho rằng mỗi người dự thi có mỗi góc nhìn, nhưng tất cả đều có mẫu số chung là cảm nhận chan chứa tình người về lòng nhân nghĩa.
Nhà thơ Lê Minh Quốc khẳng định:"Người viết đã gieo vào đó một niềm tin, một sự hướng thiện bằng thể loại nghệ thuật mà họ sở trường. Cảm ơn những nhà thơ, bạn thơ, người yêu thơ đến với cuộc thi bằng tấm lòng. Tấm lòng này, không phải bây giờ mới có, nó đã là truyền thống bất biến của người Việt, trong đó có cư dân đất phương Nam".
Giải nhất thuộc về tác giả bác sĩ Tự Hàn. Ảnh: VĂN HÀ.
Chia sẻ niềm vui với PLO, tác giả bác sĩ Tự Hàn cho biết: “Tôi rất tự hào bởi tôi không phải là người của thơ văn mà là một bác sĩ do đó những lúc có cảm xúc thì tôi sẽ viết những bài thơ là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của mình. Rất cảm ơn Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức một cuộc thi ý nghĩa này”.
Nói về ba tác phẩm đạt giải của mình, tác giả, bác sĩ Tự Hàn cho hay: “Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Sài Gòn, Bình Dương Đồng Nai và Long An thì bệnh viện của tôi được giao phụ trách bệnh viện dã chiến số 6 và khoa hồi sức tích cực để tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID nặng.
Lúc đầu chúng tôi đang điều trị 15 ngày khoa hồi sức ở lại bệnh viện, sau đó khoa hồi sức được chia ra để một số bác sĩ điều trị COVID nặng và một số điều trị hồi sức không COVID. Tôi tham gia điều trị hồi sức không COVID.
Trong thời gian 15 ngày ở đó, hàng ngày theo dõi tin thì tôi biết bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn và một cô điều dưỡng tên Hằng cũng là người Xuân Lộc Đồng Nai đã ra đi trong đại dịch tôi xúc động trước hoàn cảnh khắc nghiệt, bệnh nhân thì đau đớn đồng đội thì hi sinh vì vậy tôi đã viết bài “Tưởng niệm”.
Cũng trong thời gian đó, cũng đúng vào dịp lễ Vu Lan. Nếu hằng năm gia đình tôi đều tổ chức lễ Vu Lan cho mẹ, bố tôi đã mất thì năm nay không tổ chức được vì đại dịch nên tôi đã viết bài “Có thể” để thay cho tấm của người con gửi cho mẹ.
Và cũng trong dịp này là sinh nhật con gái tôi nhưng cũng vì dịch bệnh tôi đã không về được vì trách nhiệm của một người bác sĩ, do đó tôi đã viết bài “Hẹn con sinh nhật mùa sau”.
Thông qua những bài thơ của mình tôi mong muốn chia sẻ những nỗi đau, mất mát của đồng bào, bệnh nhân và những người đồng nghiệp đồng chí nơi tuyến đầu của mình đã ra đi vì sự nghiệp y tế”.
Tác giả Yên Khang (nhà thơ Nhật Quỳnh) chia sẻ về "Hai chiến thắng" của mình. Ảnh: VĂN HÀ.
Đặc biệt hơn trong cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, tác giả Yên Khang (nhà thơ Nhật Quỳnh) được nhắc đến với một danh xưng “Nhà thơ của hai giải thưởng” chiến thắng COVID-19 và đạt giải nhì cuộc thi thơ lần này.
Nói về những bài thơ đạt giải của mình, tác giả Yên Khang chia sẻ với PLO: “Tôi sinh sống tại Sài Gòn vì thế trong những ngày đại dịch bùng phát xung quanh luôn có tiếng xe cứu thương chạy và tôi cũng biết có những chuyến xe đưa người đi nhưng không có người trở lại đó là cơ duyên tôi làm bài “Viết cho đêm không ngủ”.
Với bài “Bài hãy nhẹ tay thôi” thì tôi cũng biết được thông tin một số tro cốt của bệnh nhân COVID-19 được đưa về bằng xe Grab khiến tôi xúc động và muốn gửi tình yêu đến những người đã khuất nên tôi đã làm bài thơ này như một lời nhắn nhủ đến những người tài xế vận chuyển nhẹ nhàng để cho người ra đi được yên giấc”.
“Qua những tác phẩm này tôi mong muốn mọi người yêu thương nhau nhiều hơn, bởi chỉ có nhân nghĩa mới và đùm bọc chia sẻ nhau để cùng đi qua những ngày gian khó.
Đồng thời qua “hai chiến thắng” lần này tôi cảm thấy rất là vui, đây cũng là cú hích tinh thần cho những người bệnh như tôi vượt qua và cảm thấy yêu thêm cuộc sống, sống sao cho ý nghĩa cũng như viết cho mọi người bằng tình yêu thương và mệnh lệnh của con tim”- tác giả Yên Khang bày tỏ.
Cũng trong dịp này, Hội Nhà văn TP.HCM cũng phát hành tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam in 72 bài thơ của 53 tác giả vào chung khảo và 14 bài thơ hưởng ứng cuộc thi.