Hãng tin Sputnik ngày 1-6 dẫn lời Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác châu Âu để giải thích mọi vấn đề liên quan đến việc tình báo Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén các lãnh đạo châu Âu.
Tuyên bố của bà Jean-Pierre được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Washington đang vấp phải nhiều sự chỉ trích vì đã theo dõi các chính trị gia hàng đầu ở châu Âu từ năm 2012 đến 2014, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel.
"Vào năm 2014, chính quyền Mỹ đã đưa ra một đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động giám sát ở nước ngoài. Cựu Tổng thống Obama lúc ấy đã ban hành một chỉ thị thay đổi cách tiếp cận của chúng tôi theo những cách đáng kể. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác ở châu Âu để giải quyết bất kỳ nghi vấn nào liên quan" - bà Jean-Pierre nói.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào ngày 30-5, đài truyền hình Danmarks Radio (DR) tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã lắp đặt hệ thống nghe trộm vào đường truyền internet của Đan Mạch để theo dõi các chính trị gia và quan chức cấp cao hàng đầu ở Đức, Thụy Điển, Na Uy và Pháp.
"NSA đã nghe lén các cuộc điện thoại, theo dõi tin nhắn văn bản SMS và nội dung truy cập internet của những chính trị gia hàng đầu châu Âu" - DR cho hay.
Lãnh đạo các nước châu Âu sau đó đã lên tiếng đòi làm rõ vấn đề này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ trích bất cứ hành động nghe lén nào của Mỹ đối với các quốc gia châu Âu đều "không thể chấp nhận được".
"Chúng tôi mong đợi các đối tác Mỹ và Đan Mạch hoàn toàn cởi mở và làm rõ vấn đề này" - ông Macron chia sẻ.
Thủ tướng Merkel bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của ông Macron, lưu ý thêm rằng dù các cáo buộc liên quan đến các sự kiện đã diễn ra nhiều năm trước nhưng vấn đề này hoàn toàn nghiêm trọng.
Các quan chức Thụy Điển và Na Uy cũng lên tiếng chỉ trích vụ việc, khẳng định Đan Mạch và Mỹ cần phải giải thích các cáo buộc liên quan và làm rõ những chính trị gia nào bị theo dõi, Sputnik đưa tin.