Sputnik: Mỹ rút 1/3 số bom hạt nhân B61 ra khỏi châu Âu

Hãng tin Sputnik ngày 21-3 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã âm thầm đưa gần 50 quả bom hạt nhân B61 ra khỏi các kho chứa ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ để lại khoảng 100 đầu đạn ở hai khu vực này.

Báo cáo của cơ quan Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ tiết lộ thay đổi này đã được đề cập gián tiếp trong các báo cáo giải mật gần đây. Theo đó, các đầu đạn hạt nhân được đưa đi chỗ khác, song chính quyền Mỹ không thông báo về sự thay đổi này.

Cụ thể, theo báo cáo hồi tháng 1 của tổ chức phi lợi nhuận Bulletin of the Atomic Scientists, kho bom hạt nhân B61 của Mỹ ở năm nước châu Âu đã giảm từ 150 xuống còn 100.

Số bom hạt nhân này được đặt ở Ý (căn cứ Aviano và Ghedi), Đức (căn cứ không quân Buchel), Bỉ (căn cứ Kleine Brogel), Hà Lan (căn cứ Volkel) và Thổ Nhĩ Kỳ (Incirlik).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc Mỹ rút bớt số bom hạt nhân là do giảm không gian chứa ở hai căn cứ Aviano và Incirlik, với khoảng 130 quả bom B61 hiện được đặt ở các căn cứ Mỹ và sẵn sàng cho các hoạt động ở châu Á cũng như địa điểm khác ngoài châu Âu.

Báo cáo cũng tiết lộ số bom hạt nhân Mỹ tại căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ 50 xuống còn 20 do lo ngại an ninh sau vụ đảo chính bất thành năm 2016 tại quốc gia này và hậu quả của vụ việc, Sputnik đưa tin.

Các nguồn tin ở chính phủ Nga cho hay chính quyền Moscow đến hiện tại vẫn chưa được thông báo gì về sự thay đổi trong kho hạt nhân ở châu Âu của Mỹ.

Ông Evgeny Buzhinsky - Trung tướng Lực lượng Vũ trang Nga đã nghỉ hưu - nói ông không tin vào khả năng Mỹ rút hoàn toàn bom hạt nhân khỏi châu Âu. Theo ông, nếu phía Nga có thể xác minh Mỹ thật sự đã giảm số đầu đạn hạt nhân của mình ở châu Âu, điều này có thể dẫn tới thay đổi trong lựa chọn mục tiêu tấn công trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Đầu đạn hạt nhân B-61. Ảnh: SPUTNIK

Nga nhiều năm qua đã kêu gọi Mỹ và đồng minh đưa mọi vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi châu Âu. Các quan chức Nga và châu Âu đều cho rằng số vũ khí này là tàn dư của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Nga cũng chỉ trích khái niệm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề chia sẻ hạt nhân, cho phép các nước đồng minh không có năng lực hạt nhân được tham gia lập kế hoạch cho các hoạt động sử dụng vũ khí hạt nhân.

Chính quyền Moscow cho rằng ngoài việc gia tăng căng thẳng và hoài nghi trong quan hệ Nga-NATO, động thái chia sẻ hạt nhân này còn vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Máy bay tiêm kích F-35 Mỹ thử nghiệm thả bom hạt nhân B61-12. Nguồn: SPUTNIK

Giữa những năm 2010, quân đội Mỹ đã cam kết nâng cấp kho bom B61 của mình và chuyển sang chế tạo loại bom nhỏ hơn có tên B61-12. Loại bom này hiện được thử nghiệm ở bang Nevada (Mỹ).

Theo quân đội Mỹ, B61-12 có thể được vận chuyển bằng khoang chở vũ khí của máy bay tiêm kích F-35 và có 4 lựa chọn về đương lượng nổ: 0,3 kiloton, 1,5 kiloton, 10 kiloton và 50 kiloton.

Để so sánh, quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 8-1945 có đương lượng nổ là 15 và 18 kiloton, theo Sputnik.

Từ năm 2016, Mỹ bắt đầu chi 1.200 tỉ USD trong 30 năm để nâng cấp kho hạt nhân của mình. Chi phí này đã đội lên tới 1.700 tỉ USD dưới thời ông Trump khi ông thúc đẩy chi tiêu thêm cho vũ khí hạt nhân cực nhỏ và tên lửa hành trình phóng từ biển.

Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Tây Âu trong những năm 1950, tăng kho vũ khí lên 8.000 đầu đạn vào đỉnh điểm cuộc Chiến tranh Lạnh. Số vũ khí hạt nhân ở châu Âu sau đó đã giảm mạnh vào những năm 1990 nhưng chưa bao giờ bị loại bỏ hoàn toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm