Trong số báo trước, Pháp Luật TP.HCMphản ánh về việc nhiều người dân tại quận Tân Bình, quận 7 xây nhà nhỏ hơn giấy phép xây dựng (GPXD) không làm được các thủ tục về hoàn công, cấp sổ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP.HCM có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng cơ quan chức năng đang có cách làm không giống nhau.
Nơi ngưng nhận hồ sơ, nơi giải quyết
Khoảng năm tháng nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Bình Tân tạm ngưng nhận hồ sơ giải quyết cấp giấy chứng nhận với trường hợp nhà xây nhỏ hơn GPXD được cấp. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân, cho biết cơ quan này mỗi tháng nhận trung bình khoảng 3-4 hồ sơ thuộc trường hợp này.
Theo ông Bình, trước đây những trường hợp xây nhỏ hơn so với GPXD là sai với giấy phép nhưng không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, cơ quan cấp giấy vẫn làm các thủ tục có liên quan đến hoàn công, cập nhật bổ sung tài sản hoặc cấp sổ cho người dân nếu đủ điều kiện.
Sau văn bản của Sở TN&MT, từ tháng 9-2019 đến nay, khi người dân nộp hồ sơ, đơn vị gửi văn bản hỏi ý kiến thanh tra xây dựng địa bàn về việc có xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp xây nhỏ hơn GPXD hay không. Vì chưa nhận được phản hồi, chi nhánh VPĐKĐĐ tạm ngừng giải quyết hồ sơ dạng này để chờ ý kiến hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Tương tự, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh cũng tạm dừng giải quyết hồ sơ dạng này để chờ hướng dẫn.
Ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc chi nhánh VPĐKĐĐ, cho biết: Lúc đầu, khi từ chối giải quyết hồ sơ khiến người dân bức xúc. “Tuy nhiên, sau khi được giải thích là do vướng luật chứ không phải chúng tôi không giải quyết nên người dân cũng thông cảm” - ông Tuân nói.
Ông cho hay là đã niêm yết văn bản của Sở TN&MT và nhiều người biết thông tin đã xin điều chỉnh GPXD trước khi hoàn thiện căn nhà.
Trong khi đó, một số chi nhánh VPĐKĐĐ quận, huyện vẫn nhận hồ sơ và có cách giải quyết riêng. Theo bà Lê Thị Kim Yến, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 9, cơ quan này vẫn nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết nếu đủ điều kiện.
Bà Yến cho hay khi nhận hồ sơ, cơ quan này sẽ chuyển thông tin xuống UBND phường để kiểm tra xem công trình có xây dựng đúng phép hoặc nhỏ hơn GPXD hay không. Nếu xây nhỏ hơn GPXD thì sẽ chuyển sang quận để xin ý kiến. “Sau khi quận xem xét từng trường hợp cụ thể và không xử phạt vi phạm hành chính đối với việc xây nhỏ hơn GPXD thì chuyển thông tin qua để chi nhánh VPĐKĐĐ làm thủ tục cấp giấy cho dân” - bà Yến nói. Bà Yến thông tin thêm, riêng trường hợp nhà tái định cư nếu xây nhỏ hơn quy mô trong GPXD thì vẫn được giải quyết bình thường.
Tại quận 12, ông Phạm Văn Tùng, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12, cũng có cách xử lý tương tự quận 9. “Quận có các kênh thông tin tuyên truyền đến tận nhà dân nên trong quá trình xây dựng, nếu xây nhỏ hơn giấy phép, người dân sẽ làm thủ tục điều chỉnh giấy phép” - ông nói.
Căn nhà trên đường Thành Mỹ (phường 8, quận Tân Bình) xây nhỏ hơn giấy phép xây dựng nên chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: N.YÊN
Sở TN&MT chờ Sở Xây dựng
Trong văn bản gửi VPĐKĐĐ TP.HCM và các chi nhánh, Sở TN&MT nêu: Từ 15-1-2018 (ngày Nghị định 139/2017 có hiệu lực) đến nay, với các trường hợp xây dựng không đúng nội dung giấy phép, cụ thể là xây dựng nhỏ hơn, số tầng và chiều cao công trình thấp hơn so với GPXD, chưa được thống nhất hình thức xử lý. Có trường hợp hành vi này bị xử phạt hành chính, có trường hợp không xử phạt, dẫn đến tình trạng chi nhánh VPĐKĐĐ 24 quận, huyện đề xuất khác nhau trong giải quyết hồ sơ đăng ký bổ sung tài sản và đăng ký tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó, thời gian rà soát và xét duyệt hồ sơ đối với trường hợp này bị kéo dài, gây bức xúc cho dân.
Điều chỉnh giấy phép xây dựng Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh GPXD: a) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc; b) Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính; c) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường. (Điều 98 Luật Xây dựng 2014) |
Ngày 3-9-2019, Sở TN&MT có văn bản gửi Sở Xây dựng, đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương hướng dẫn để 24 quận, huyện thực hiện thống nhất. Cũng từ thời điểm này, Sở TN&MT yêu cầu VPĐKĐĐ TP và các chi nhánh tiếp nhận hồ sơ dạng này phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan cấp phép xây dựng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết các chi nhánh vẫn phải tiếp nhận hồ sơ của người dân. Đồng thời, phải chuyển qua quận có ý kiến về việc xây dựng nhỏ hơn và sẽ giải quyết hồ sơ cho dân nếu có ý kiến về việc không xử phạt vi phạm hành chính.
Để thống nhất cách xử lý cho 24 quận, huyện, ông Thắng đề xuất: Trong quá trình nghiệm thu, thanh tra xây dựng cần có ý kiến ngay tại biên bản hoàn công công trình. Cụ thể, nếu công trình xây nhỏ hơn giấy phép thì cũng thể hiện quan điểm là có được hoàn công hoặc đăng ký công trình trên giấy chứng nhận hay không. “Nếu thể hiện ý kiến ngay từ khâu này thì người dân sẽ không phải đi lại nhiều lần và các chi nhánh VPĐKĐĐ cũng sẽ có cơ sở để giải quyết” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, nếu Sở Xây dựng thống nhất cách làm này thì Sở TN&MT sẽ có văn bản chỉ đạo các chi nhánh cùng thực hiện.
Theo Sở Xây dựng, việc có xử phạt vi phạm hành chính hay không đối với công trình xây nhỏ hơn giấy phép là vướng mắc từ khi triển khai Nghị định 121/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2015, sở này đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, đề xuất đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ (ngoài khu vực quy hoạch chi tiết 1/500) có diện tích xây dựng nhỏ hơn GPXD thì không quy định là hành vi xây dựng sai phép, do đó không xử lý vi phạm hành chính. Đề xuất này đã được Bộ Xây dựng chấp thuận.
Tuy nhiên, khi Nghị định 139 thay thế Nghị định 121 thì nội dung này không tiếp tục được đưa vào Nghị định 139. Do đó, TP.HCM vẫn tiếp tục gặp vướng trong quá trình thực hiện nên hiện nay có tình trạng mỗi nơi làm một kiểu như đã nêu.
Thực tế, nhiều địa phương trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phản hồi của sở này.
Đã gút hướng giải quyết nhưng chưa ra văn bản Theo Sở Xây dựng, trong một cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại sở này hồi cuối năm 2019, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, đã chốt hướng giải quyết cho vấn đề này. Theo đó, sở này chia ra hai trường hợp nhà ở trong và ngoài quy hoạch 1/500. Cụ thể, đối với các trường hợp công trình ngoài khu vực quy hoạch tỉ lệ 1/500, nếu chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế công trình nhưng không thuộc trường hợp phải điều chỉnh GPXD quy định tại Điều 98 Luật Xây dựng 2014 thì không xem là hành vi xây dựng sai phép. Trường hợp xây nhà ở riêng lẻ ngoài khu vực quy hoạch tỉ lệ 1/500, không có yêu cầu về quản lý kiến trúc, nếu chủ đầu tư thay đổi thiết kế giảm quy mô, chiều cao, số tầng của công trình nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình thì không xem là hành vi xây sai phép. Trường hợp xây nhà ở tại khu tái định cư, người dân có nhu cầu xây dựng giảm quy mô so với quy hoạch thì hướng dẫn người dân có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong khu vực đã có quy hoạch tỉ lệ 1/500 thì chủ đầu tư không được thay đổi thiết kế công trình, nếu vi phạm thì sẽ bị đình chỉ thi công. Được biết đây mới chỉ là nội dung thống nhất tại cuộc họp, Sở Xây dựng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn. Với vướng mắc của các địa phương như hiện nay, Sở Xây dựng cho biết sẽ họp với Sở TN&MT và các đơn vị có liên quan để thống nhất hướng giải quyết. |