Ngày 24-4, TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm vụ giám đốc Trung tâm Đăng kiểm ở Đồng Tháp nhận hối lộ.
Các bị cáo gồm Trần Lập Nghĩa (ngụ TP.HCM), Nguyễn Thành Nguyễn (đăng kiểm viên), Trần Thị Ngọc Dung (nhân viên văn phòng), Trần Thanh Nhã (đăng kiểm viên), Lê Minh Nhí (nhân viên), Kim Thị Huỳnh Duy về tội nhận hối lộ. Hai bị cáo Nghĩa và Nguyễn còn bị xét xử về tội giả mạo trong công tác.
Tại phiên toà các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Đại diện VKSND tỉnh Đồng Tháp đề nghị xử phạt bị cáo Nghĩa 17-18 năm tù về tội nhận hối lộ và 12-14 năm tù về tội giả mạo trong công tác, tổng hợp hình phạt chung là 29-30 năm tù; phạt bổ sung 40-80 triệu đồng.
Còn bị Nguyễn bị đề nghị phạt 15-16 năm tù về tội nhận hối lộ và 7-8 năm tù về tội giả mạo trong công tác. Các bị cáo Nhã, Dung bị đề nghị 15-16 năm tù; bị cáo Nhí, Duy bị đề nghị 2-3 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ.
Toà nghị án kéo dài, sẽ tuyên án vào ngày 2-5.
Theo cáo trạng, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 66-02D trực thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi do bà TTNT làm chủ tịch kiêm giám đốc. Trung tâm do Nghĩa (em ruột bà T) làm chủ đầu tư, quản lý và điều hành.
Trước khi trung tâm hoạt động, với vai trò chủ đầu tư và là quản lý điều hành trung tâm, Nghĩa tổ chức cuộc họp và đưa ra chủ trương thu tiền phụ thu bỏ qua lỗi khi kiểm định phương tiện có lỗi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để cấp sổ kiểm định. Nghĩa thành lập nhóm trên Viber đặt tên là “66-02D”, mục đích để cùng trao đổi, thông báo lỗi của phương tiện để đưa ra giá tiền phụ thu.
Quá trình điều tra xác định khi trường hợp chủ phương tiện đến đăng kiểm thì các bị cáo Nguyễn, Nhã, Nhí thực hiện kiểm tra và Nhã là người kết luận sau cùng về kết quả kiểm định.
Khi phát hiện phương tiện có lỗi, Nhã ghi phiếu sửa chữa để chủ phương tiện cầm phiếu quay lại gặp Dung. Lúc này, Dung đặt vấn đề với chủ phương tiện và đưa ra số tiền phụ thu để được kiểm định lại và bỏ qua lỗi.
Hoặc trường hợp khi chủ phương tiện đến đăng ký thông tin để đăng kiểm và biết lỗi của xe mình là gì thì Dung gợi ý tại dịch vụ làm nhanh, nếu chủ phương tiện đồng ý nộp tiền phụ thu (không phiếu thu) để được bỏ qua. Khi chủ phương tiện đồng ý thì Dung nhắn lên trên nhóm “66-02D” thông tin về biển kiểm soát phương tiện và số tiền thu.
Tùy mức độ lỗi Dung, Nguyễn ra giá thu từ 200.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/phương tiện. Duy hoặc Nhí là người nhận tiền rồi chuyển tiền vào tài khoản của Nghĩa.
Trong ngày 14-10-2022, các bị cáo bị bắt quả tang đã nhận tiền phụ thu của 44 phương tiện để bỏ qua lỗi khi kiểm định với số tiền 18,6 triệu đồng
Kết quả điều tra xác định từ ngày trung tâm 66-02D khai trương (8-2-2022) đi vào hoạt động đến khi bị bắt quả tang, các bị cáo đã nhận tiền phụ thu của 5.202 phương tiện không đạt chuẩn với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đều chuyển vào tài khoản của Nghĩa, các bị cáo khác không hưởng lợi mà chỉ làm công ăn lương cố định hàng tháng.
Ngoài ra, quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn phát hiện bị cáo Nghĩa và Nguyễn có hành vi giả mạo trong công tác. Cụ thể, do tại trung tâm không có đủ đăng kiểm viên để thực hiện các công đoạn kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới nên Nghĩa chỉ đạo Nguyễn lập khống các hợp đồng giả mạo các đăng kiểm viên hoặc người không là đăng kiểm viên không có trình độ chuyên môn về đăng kiểm để hoàn thành các quy trình đăng kiểm; lập hồ sơ phương tiện, kiểm định, in Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.