Nhân viên bán bảo hiểm cần có giấy phép hành nghề

(PLO)- Trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần phân biệt rõ khái niệm chữ ký điện tử và chữ ký điện tử dùng riêng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Các dự án luật này dự kiến sẽ được QH thông qua tại kỳ họp thứ năm, QH khóa XV.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, chủ trì hội thảo.

Cấm cung cấp thông tin hợp đồng dài, không đầy đủ

Nêu ý kiến tại hội thảo, ĐB Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, kiến nghị bổ sung thêm nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Cụ thể, tại Điều 10 của dự thảo Luật Về các hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung nội dung nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác, dài, nhiều thuật ngữ chuyên ngành.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Nghĩa nêu thực tế, qua vụ việc hợp đồng bảo hiểm gây xôn xao dư luận thời gian qua, nhiều người dân phản ánh khi mua bảo hiểm không được tư vấn đầy đủ, hợp đồng dài đến hơn trăm trang, gây ra việc ngộ nhận cho người mua.

“Cần bổ sung một số nội dung tại Điều 10 của dự thảo luật này. Trong đó, hợp đồng ngắn lại, nếu có thuật ngữ chuyên ngành mà người dân không hiểu thì phải làm rõ... tránh để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp” - ông Nghĩa kiến nghị.

Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM nhìn nhận một số nội dung quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa khả thi trong thực tiễn áp dụng và thiếu sự cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

ĐB này kiến nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong việc cung cấp thông tin và các vấn đề trong giao kết hợp đồng. Ngoài ra, cần nêu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và thu hồi hàng hóa có khuyết tật.

Cần quản lý chặt chữ ký điện tử

Nêu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐB Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, kiến nghị nên phân biệt rõ về khái niệm chữ ký điện tử và chữ ký điện tử dùng riêng.

Đại biểu Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nêu kiến nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đại biểu Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nêu kiến nghị.
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Trong đó, chữ ký điện tử sẽ được sử dụng trong các hợp đồng, hóa đơn điện tử... trong quan hệ với bên ngoài, là chứng cứ xác nhận giao dịch. Đối với chữ ký điện tử dùng riêng thì chỉ được sử dụng riêng trong các tổ chức, cơ quan nội bộ.

Bàn về chữ ký điện tử, ĐB Nguyễn Văn Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng cần quy định rõ giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. “Nên có thêm quy định về việc chữ ký điện tử được khởi tạo hoặc sử dụng trái phép sẽ không có giá trị pháp lý” - ông Đức kiến nghị.

Theo ông Đức, đối với những người không có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức hoặc không phải là cá nhân sở hữu chữ ký điện tử hợp pháp mà sử dụng chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch, ký hợp đồng thì những giao dịch, hợp đồng này sẽ bị vô hiệu hóa.

ĐB Phan Bình Tuyên, đại diện Cục Hải quan TP.HCM, nêu thực tế nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi thuê đại lý hải quan sẽ đưa chữ ký số của doanh nghiệp cho đơn vị này khai báo, làm việc. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng với đại lý hải quan thì quên lấy lại. “Nhiều đại lý hải quan lợi dụng việc này để xác nhận hợp đồng và có hành vi vi phạm pháp luật!” - ĐB Tuyên cho biết và kiến nghị cần bổ sung quy định cấm các chủ thể giao chữ ký dùng riêng cho các cá nhân, tổ chức khác.

Người bán bảo hiểm cần được đào tạo

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ĐB Trần Hữu Nghĩa, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nêu thực trạng hiện nay lực lượng tư vấn viên bán bảo hiểm đa số là những nhân viên thời vụ, làm một thời gian sẽ nghỉ nên chưa nắm rõ công việc mình làm. Có trường hợp các nhân viên bán bảo hiểm chỉ chạy theo doanh số, hoa hồng nên chỉ tư vấn cái tốt, còn những quyền lợi trong khi bất cập thì không nhắc.

Từ đó, ĐB Nghĩa kiến nghị cần bổ sung tại điểm c khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng tận cửa, trong đó có bán bảo hiểm. Cụ thể, cần bổ sung nội dung “Giải thích cho người tiêu dùng đầy đủ, chính xác, rõ ràng về điều kiện hợp đồng”.

Đồng thời để tránh trường hợp người bán bảo hiểm chỉ chạy theo doanh thu, không nắm rõ quy định, ông Nghĩa cho rằng cần đưa ra quy định về tiêu chí hành nghề và giấy phép hành nghề bán bảo hiểm. Trong đó nêu cụ thể nhân viên phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng bài bản, tránh các trường hợp nhân viên tư vấn làm một thời gian rồi nghỉ lại tuyển nhân viên mới vào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm