Nhân viên giao hàng chiếm đoạt tiền hàng: Tội gì?

(PLO)- Khách nhận hàng, Hoài nhận tiền nhưng lại không mang tiền về công ty mà thông báo với công ty rằng “khách hẹn lại”, rồi lấy gạch, đá bỏ vào hộp hàng rồi trả về công ty.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo lịch xét xử, hôm nay (19-4), TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần hai vụ án bị cáo Bành Tất Hoài (nhân viên giao hàng) chiếm đoạt tiền hàng của công ty giao hàng tiết kiệm.

Tội danh của bị cáo là vấn đề gây tranh cãi; trong khi tòa xử tội tham ô tài sản thì VKS kháng nghị cho rằng Hoài phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các luật sư cũng có quan điểm khác nhau về tội danh của Hoài.

Tòa xử tội tham ô

Theo nội dung vụ án, Bành Tất Hoài được Công ty CP Giao hàng tiết kiệm - Chi nhánh TP.HCM nhận vào để giao hàng cho khách và thu tiền giao lại công ty. Hoài được cấp mã nhân viên, tài khoản và cài ứng dụng của công ty trên điện thoại.

Từ ngày 7 đến 28-10-2020, Hoài giao 13 đơn hàng. Khách nhận hàng, Hoài nhận tiền nhưng lại không mang tiền về công ty theo quy định mà Hoài bấm thông báo cho công ty biết là “khách hẹn lại”. Sau đó, Hoài lấy gạch, đá, giấy vụn… bỏ vào 13 hộp hàng và in mã đơn dán lên hộp, rồi trả hàng về lại công ty. Tổng tiền hàng là 27,1 triệu đồng bị Hoài chiếm đoạt.

Hoài bị truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 11-2021, TAND quận Tân Bình xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Hoài hai năm tù về tội danh này. VKSND TP.HCM kháng nghị, đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Tháng 4-2022, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm với nhận định: Bị cáo Hoài được công ty tuyển dụng, giao thực hiện công việc cụ thể. Căn cứ khoản 2 Điều 352 BLHS: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.

Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Do một hình thức khác quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS là trường hợp không phải do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ đó”.

Theo HĐXX phúc thẩm, bị cáo Hoài là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền. Hành vi của bị cáo Hoài có dấu hiệu tội tham ô tài sản.

VKS kháng nghị, đề nghị xử tội lạm dụng tín nhiệm

Hồ sơ trả về cấp sơ thẩm để điều tra lại. Tháng 12-2022, VKSND quận Tân Bình giữ nguyên quan điểm truy tố Hoài về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Xét xử sơ thẩm lần hai vào tháng 1-2023, TAND quận Tân Bình tuyên phạt bị cáo Hoài ba năm tù về tội tham ô tài sản.

Sau phiên xét xử, bị cáo Hoài kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và làm rõ tội danh. VKSND quận Tân Bình cũng kháng nghị, đề nghị sửa án sơ thẩm, tuyên bị cáo Hoài phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kháng nghị phân tích: BLHS hiện hành quy định tội tham ô tài sản là “người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử theo quy định tại điều này”. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

Theo nội dung hợp đồng lao động, nội quy, quy trình làm việc, bị cáo Hoài là nhân viên có nhiệm vụ giao hàng, nhận tiền và nộp tiền về công ty theo hình thức thu hộ. Theo lời khai của người đại diện hợp pháp của công ty, Hoài không có chức vụ, không được hưởng phụ cấp; không được quyền quyết định bất cứ vấn đề gì liên quan đến hàng hóa, khi người mua hàng có ý kiến, công ty sẽ giải quyết.

Ngoài ra, Điều 95 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước gồm: Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội… có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Theo khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán năm 2019 thì công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp: Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỉ đồng trở lên… hoặc công ty chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Trong vụ án này, công ty này có vốn điều lệ 12,9 tỉ đồng và chưa thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng; không phải là tổ chức tín dụng hay tổ chức xã hội.•

Phải thông qua giao dịch dân sự rồi chiếm đoạt thì mới lạm dụng tín nhiệm

Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư LÊ TRUNG PHÁT, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phải là thông qua một giao dịch dân sự rồi chiếm đoạt. Trong trường hợp này không phải là giao dịch dân sự thông thường mà Hoài có được vị trí nhân viên giao hàng thông qua hợp đồng đã ký trước với công ty.

Đối với lời khai của phía công ty, Hoài không có chức vụ, không có phụ cấp… Có thể họ chỉ nghĩ đơn thuần vị trí nhân viên giao hàng không phải là chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, căn cứ theo Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì Hoài đã được công ty nhận vào làm việc ở vị trí, nhiệm vụ nhất định, vẫn được xem là người có chức vụ, quyền hạn.

Không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội tham ô

Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Hành vi của bị cáo không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội tham ô. Bởi bị cáo được nhận vào để làm nhân viên giao hàng, thu tiền và nộp tiền lại cho công ty. Bị cáo không có chức vụ, quyền hạn; mọi việc đều làm theo yêu cầu CỦA công ty.

Khi giao hàng, thu tiền của khách nhưng không mang về nộp cho công ty, bị cáo đã lợi dụng sự tín nhiệm, tin tưởng của công ty (khi công ty giao cho bị cáo công việc nhất định) để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của bị cáo cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo thì việc tòa xét xử bị cáo tội tham ô là chưa có căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm