Phúc thẩm đại án đăng kiểm: VKS nói thiệt hại là rất đau xót, mất rất nhiều cán bộ

(PLO)- Trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát đã xem xét đề nghị giảm nhẹ đối với những bị cáo chủ động nộp thêm tiền đã thu lợi bất chính.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-2, phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình (2 cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam) cùng 142 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng tiếp tục với phần tranh luận đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư (LS).

Theo đó, quá trình bào chữa cho thân chủ của mình các LS cho rằng rất nhiều bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm đã tích cực, chủ động vận động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả/nộp lại số tiền đã hưởng lợi nhưng lại không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS.

Cạnh đó, các LS cũng có quan điểm cho rằng các lần nhận hối lộ của các đăng kiểm viên chỉ vài trăm ngàn một lần là chưa đủ định lượng để cấu thành tội nhận hối lộ và cho biết không thể đồng thời vừa áp dụng tình tiết định khung phạm tội hai lần trở lên (khoản 2 Điều 345 BLHS) vừa áp dụng tình tiết này là tình tiết tăng nặng tại điểm g, khoản 1, Điều 52 BLHS.

viện kiểm sát
Đại diện VKSND Cấp cao tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối đáp lại những quan điểm trên, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết đây là vụ án đồng phạm có quy mô lớn, gây ra hệ quả rất đau xót cho xã hội khi đã mất đi rất nhiều cán bộ được đào tạo bài bản, ảnh hưởng lớn đến xã hội, mất niềm tin từ người dân.

"Khi giải quyết chúng tôi đã đánh giá toàn diện, bối cảnh, hoàn cảnh xảy vụ án xảy ra khi các bị cáo đã cùng nhau thống nhất chủ trương, tiền nhận về chia cho ai, chia ra sao. Từng trung tâm đăng kiểm phân chia ai là người nhận tiền, chia tiền và chia cho những ai, mỗi người chi được bao nhiêu...

Theo chủ trương của các bị cáo thì tiền nhận về từ các chủ xe được các đăng kiểm viên đưa cho chuyền trưởng, cuối ngày tổng kết lại rồi chia theo tỉ lệ. Do vậy mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung với số tiền đã nhận trong chuyền của mình.

Các LS cho rằng số tiền nhận mỗi lần không đủ định lượng để cấu thành tội phạm là không có căn cứ. Nếu vậy sao chúng tôi không thấy LS nào bào chữa cho thân chủ của mình theo hướng kêu oan..."- đại diện VKS nói.

Về vấn đề các bị cáo chủ động nộp lại số tiền hưởng lợi, đại diện VKS cho biết việc này là việc đương nhiên phải hoàn lại nên không áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.

Tuy không áp dụng tình tiết này tại điểm b, khoản 1, Điều 51 nhưng thực tế khi phát biểu quan điểm và đề nghị mức án thì tất cả các bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm cung cấp được chứng cứ chứng minh đã chủ động nộp thêm tiền thì đều được VKS ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 51 BLHS (các tình tiết giảm nhẹ khác) để đề nghị HĐXX giảm mức hình phạt cho các bị cáo.

Đối với việc áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội 2 lần trở lên", đại diện VKS cho biết hầu hết các bị cáo bị truy tố theo khoản 4, Điều 354 BLHS với tình tiết định khung là của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên. Do vậy mà việc áp dụng tình tiết tăng nặng trên là đúng quy định.

Phiên toà tiếp tục với phần bào chữa của các LS cho các bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm khối D.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm