Trao đổi bên lề tại BV Pháp Việt (FV), sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Hội nghị quản lý chất lượng BV châu Á diễn ra tại TP.HCM, Bà Paula Wilson - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tổ chức công nhận chất lượng quốc tế JCI - (Joint Commission iternational), cho biết mục tiêu hiện tại của tổ chức tại các BV là nghiên cứu đào tạo và cải tiến chất lượng BV.
Làm thế nào giúp BV hoạt động an toàn như hoạt động của ngành hàng không. Bà Paula lấy ví dụ, mỗi ngày trên thế giới có hàng triệu chuyến bay nhưng nhân viên hàng không luôn hạn chế và rất ít xảy ra sai sót thế nhưng ngành y tế chưa làm được như vậy.
“Sự khác biệt giữa hai ngành là nhân viên hàng không được đào tạo hoàn thiện đến mức khả năng xảy ra sai lầm là không có. Còn nhân viên ngành y lại tự tin thái quá về khả năng thành công của mình, dẫn đến sai sót rất nhiều do chủ quan. Chúng tôi đang cố gắng thay đổi văn hóa ứng xử này, làm sao cho người làm trong ngành y tế phải biết sợ khi mắc phải lỗi lầm” - bà Paula giải thích.
Bà Paula Wilson trao đổi về JCI tại BV FV ẢNH: HP
Theo bà Paula, ngành y tế muốn thay đổi được vấn đề trên thì kiểm định chất lượng chính là bước đầu tiên trong cả một quá trình. Chứng nhận JCI được xem là nền tảng cho một ngành y tế hạn chế thấp nhất rủi ro nghề nghiệp.
Vì muốn được công nhận JCI, một BV phải mất thời gian chuẩn bị ít nhất là hai năm nhằm thay đổi toàn bộ BV từ chất lượng, cung cách phục vụ. Thậm chí là từ chai nước rửa tay, kiểm soát nhiễm khuẩn, máy phát điện dự trữ, và quan trọng hơn là có thể dự đoán được tình huống rủi ro không ngờ, sẵn sàng đối phó và lường trước được rủi ro xảy ra không như dự kiến.
Tổng giám đốc JCI nhận định thách thức của các BV công ở Việt Nam còn quá lớn do vấn đề quá tải, cơ sở vật chất hạn chế và phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế.
Các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc đều đã có BV công đạt chứng nhận chất lượng quốc tế JCI nhưng Việt Nam lại chưa có BV nào đề xuất mong muốn được thử sức với JCI.
Bà Paula nhấn mạnh JCI luôn tìm cách giúp đỡ và tạo điều kiện công bằng cho tất cả BV công và tư. Nghịch lý là theo nghiên cứu, tại các BV ban lãnh đạo muốn phấn đấu đến JCI nhưng nhân viên lại không muốn vì họ sợ đối mặt với quá nhiều áp lực thay đổi.
Bà Paulas đánh giá cao mong muốn thay đổi, sự cố gắng từ phía ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là sự ủng hộ từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đến thời điểm hiện tại Việt Nam có hai BV đạt được chứng nhận chất lượng quốc tế JCI là Pháp Việt (FV) và BV Đa khoa quốc tế Vinmex ( Hà Nội). Chứng nhận JCI được đánh giá và cấp lại ba năm một lần. Với mong muốn BV luôn luôn thay đổi, phát triển, hướng tới chất lượng khám chữa bệnh và an toàn người người bệnh. |