Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi gia công sò điệp

(PLO)- Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của hải sản Nhật Bản về cả sức tiêu thụ và khả năng gia công thủy sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Toru Yoshimatsu, đại diện Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) nhìn nhận, Việt Nam là thị trường tiềm năng của hải sản nước này.

Thông tin này được ông Toru Yoshimatsu khẳng định với PLO bên lề sự kiện kết nối kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản, trong đó có sò điệp. Sự kiện được tổ chức vào chiều ngày 14-3 tại TP.HCM, do MAFF phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam

Theo ông Toru Yoshimatsu, những năm trở lại đây số lượng nhà hàng Nhật Bản ngày càng tăng tại Việt Nam, cho thấy người dân Việt đã chấp nhận những đặc trưng trong ẩm thực Nhật Bản, trong đó có các món ăn từ đồ sống (gọi chung là sashimi).

Nhật bản
Ông Toru Yoshimatsu, đại diện MAFF. ẢNH: THU HÀ

Cũng chính từ đây đã mở ra cơ hội cho thủy hải sản nước này có cơ hội tiến sâu vào thị trường ẩm thực Việt.

"Quan trọng hơn, Việt Nam trước giờ có rất nhiều nhà máy gia công hải sản giàu kinh nghiệm, trong đó có cả gia công sò điệp.

Do đó chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm nơi gia công, để từ đó xuất khẩu ngược sang các nước ASEAN và Mỹ. Đó cũng là những lý do mà chúng tôi đã chọn Việt Nam trong hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản"- ông Toru Yoshimatsu nói.

Trước đó, vào cuối tháng 1-2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin: JETRO đã tổ chức chuyến tham quan cho 12 doanh nghiệp chế biến và thương mại hải sản từ Hokkaido (vùng sản xuất sò điệp) đến các nhà máy chế biến thủy hải sản Việt Nam để kết nối hợp tác, tìm đối tác gia công sò điệp.

Việt Nam là điểm đến triển vọng do chi phí lao động thấp, kinh nghiệm sâu rộng trong chế biến các sản phẩm thủy sản và ít rào cản trong lĩnh vực gia công xuất khẩu.

Đại diện MAFF cũng thông tin thêm, hiện nay Nhật Bản có các tổ chức xúc tiến thương mại như JETRO, do đó có thể kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hải sản Nhật Bản có thể tìm được nguồn hàng một cách nhanh chóng.

Nhật Bản tăng cường quảng bá hải sản

MAFF thông tin, trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu nông-lâm-thủy sản và thực phẩm nước này đạt gần 1.455 tỉ yen và đang hướng tới mục tiêu 2.000 tỉ yen vào năm 2025. Trong số các sản phẩm thuỷ hải sản thì sò điệp, cá cam và cá tráp đỏ là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản.

Do đó chính phủ Nhật đang triển khai các hoạt động nhằm quảng bá sự hấp dẫn của thuỷ hải sản Nhật Bản ở trong và ngoài nước và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Tại Việt Nam, muốn quảng bá sự hấp dẫn của thuỷ, hải sản Nhật Bản; hướng tới đối tượng là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ, đầu bếp và các doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam.

Nhật Bản
Nhật Bản muốn quảng bá hải sản đến thị trường Việt Nam. Ảnh: THU HÀ

Từ đó, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại thuỷ hải sản và hợp tác phát triển chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm