Nhật-Mỹ tập trận không quân

Ngày 15-1, Nhật và Mỹ đã tổ chức tập trận không quân chung ngoài khơi đảo Shikoku (Nhật). Báo Straits Times (Singapore) đưa tin cuộc tập trận kéo dài năm ngày. Sáu máy bay FA-18 và 90 binh sĩ Mỹ cùng bốn máy bay F-4 của không quân Nhật tham gia.

Trước đó, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin chín máy bay tàng hình F-22 Raptor và 300 binh sĩ Mỹ đã được điều đến căn cứ không quân Mỹ Kadena ở tỉnh Okinawa (Nhật) trong kế hoạch triển khai bốn tháng. Hiện Mỹ có 50 máy bay F-15 hoạt động thường trực tại căn cứ này.

Trong khi đó, Trung Quốc Nhật Báo đưa tin hôm 14-1, Giám đốc Trung tâm Địa tin học Quốc gia Trung Quốc Lý Chí Cương thông báo Cục Khảo sát, Vẽ bản đồ và Thông tin địa lý quốc gia sẽ hợp tác với quân đội để khảo sát chi tiết địa chất tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật-Mỹ tập trận không quân ảnh 1

Máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ được điều đến tỉnh Okinawa (Nhật) ngày 14-1. Ảnh: WORD PRESS

Ông nói công tác khảo sát thuộc giai đoạn 2 của dự án khảo sát và vẽ bản đồ các đảo. Ở giai đoạn đầu, Cục nêu trên đã vẽ xong bản đồ 6.400 đảo trong phạm vi 100 km tính từ bờ biển Trung Quốc.

Tại Mỹ, ngày 14-1 (giờ địa phương), phát biểu bên lề cuộc triển lãm xe quốc tế Bắc Mỹ ở Detroit, Tổng Giám đốc điều hành hãng xe Honda (Nhật) Takanobu Ito đã bày tỏ hy vọng chính phủ Trung Quốc và Nhật hiểu tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Trung-Nhật để cải thiện quan hệ ngoại giao.

Ông nói khu vực tư nhân ở hai nước rất tin tưởng nhau và phải dựa vào nhau trong kinh doanh. Ông thông báo doanh số tiêu thụ xe Honda ở Trung Quốc đã phục hồi trở lại gần đạt mức trước căng thẳng bùng nổ.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, báo Bangkok Post ngày 15-1 cho biết Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkaew tuyên bố Thái Lan sẽ nỗ lực tìm kiếm lập trường chung của ASEAN để đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Với tư cách của Thái Lan là nước điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ tháng 7-2012 đến tháng 7-2015, ông cho biết Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức đàm phán với từng quốc gia tuyên bố chủ quyền tại biển Đông. Ông nhận định Indonesia đang nỗ lực thể hiện vai trò lãnh đạo đối với vấn đề biển Đông nhưng Jakarta và Bangkok cần hợp tác chặt chẽ về vấn đề này.

Ông ghi nhận Bắc Kinh không nên xem lập trường chung của ASEAN nhằm gây áp lực, thay vào đó nên nghĩ rằng một lập trường chung sẽ giúp củng cố an ninh khu vực và điều này sẽ có lợi cho Trung Quốc. Ông hy vọng với sự thay đổi lãnh đạo vào tháng 3 tới, Trung Quốc sẽ có thái độ dễ chịu hơn.

Ông nhận định các nước trong khu vực có nhiều khả năng hướng đến Mỹ nhằm cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và điều này có thể khiến Trung Quốc mềm dẻo hơn.

Ông ca ngợi Mỹ đã đưa ra lập trường mềm dẻo về vấn đề biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Campuchia hồi tháng 11-2012. Trước đó, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền của Philippines nhưng sau đó Mỹ khuyến khích các bên tham gia đàm phán mà không khiêu khích Trung Quốc.

Đài truyền hình Channel News Asia (Singapore) cho biết ngày 14-1, một quan chức ngoại giao Brunei giấu tên khẳng định ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Brunei là xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý. Quan chức này nhận định tranh chấp biển Đông là mối đe dọa lớn với an ninh khu vực và mong muốn giải quyết vấn đề theo phương cách hòa bình thông qua đối thoại với các bên tranh chấp.

THIÊN ÂN

THẠCH ANH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm