Hội nghị đã giới thiệu, phổ biến nhiều văn bản hướng dẫn trong đó khẳng định kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò chủ đạo trong thời gian tới. Nhiều chính sách hỗ trợ loại hình doanh nghiệp này hiện đang được triển khai trên thực tế nhằm khắc phục các vướng mắc, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI...
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Vương
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, hiện tại, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nội địa nhỏ và vừa, chiếm khoảng 3/4 số lượng doanh nghiệp cả nước. Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả đang trên bờ vực phá sản, giải thể. Theo số liệu được công bố năm 2017, có tới 62% doanh nghiệp đang chờ giải thể, doanh nghiệp hoàn tất giải thể tăng tới 35% và chỉ có 6% doanh nghiệp đang tham gia hoạt động xuất khẩu.
Những chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai như áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường; bố trí quỹ đất (các khu, cụm công nghiệp); giá thuê mặt bằng cũng có chính sách bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng; hỗ trợ về chuỗi phân phối sản phẩm, công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung…
Tại TP.HCM cũng đã triển khai nhiều hoạt động như đã có quỹ bảo lãnh tín dụng (thành lập từ năm 2016) nhưng tiêu chí của quỹ lại bảo toàn vốn. Đây chính là điểm nghẽn trong hoạt động hỗ trợ cần gỡ bỏ trong thời gian sắp tới….