Bên cạnh bốn ngành công nghiệp chủ lực, thời gian tới TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển năm ngành công nghiệp mới gồm điện tử bán dẫn, công nghệ sinh học, dược phẩm, tự động hóa và các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt, nhưng để khai thác cơ hội này không đơn giản.
Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội cơ khí điện TP.HCM liên quan vấn đề này.
Nhà đầu tư mang theo chuỗi cung ứng vào Việt Nam
.Phóng viên: Thưa ông, những ngành công nghiệp mới đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như các ông lớn trên thế giới đến nước ta. Vậy các DN Việt đang khai thác, tận dụng cơ hội này như thế nào?
+ Ông Đỗ Phước Tống: TP.HCM với định hướng thu hút ngành điện tử, bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao…là những ngành rất đặc thù nên để DN Việt tiếp cận được không dễ dàng.
Đáng chú ý, hiện nay những nhà đầu tư lớn của các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… khi chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam thường mang theo cả chuỗi cung ứng. Sau đó, nếu họ phát triển mở rộng sản xuất sẽ tìm tới DN Việt, còn ngay từ đầu để công ty Việt Nam tiếp cận, tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ là thách thức lớn.
Ngay như công ty Duy Khanh của tôi, doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến đặt vấn đề đầu tư vốn. Đây là thách thức cho các DN công nghiệp hỗ trợ nói chung và chúng tôi nói riêng.
. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện các nhà đầu tư nước ngoài mang theo cả chuỗi cung ứng vào Việt Nam?
+ Đơn cử như việc dịch chuyển dịch đầu tư của các công ty từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ban đầu chúng tôi nhìn nhận đây là cơ hội, tuy nhiên, bên cạnh chuyển dịch đầu tư, những DN công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc cũng đi theo.
Cụ thể, đây là những nhà cung cấp truyền thống cho các công ty FDI ở Trung Quốc. Khi những công ty Trung Quốc này đầu tư tại Việt Nam họ mang nguyên mô hình sang nên không mất nhiều thời gian để tiếp cận khách hàng tại Việt Nam và cũng chính là khách hàng cũ của họ tại Trung Quốc.
Rất nhanh, DN công nghiệp hỗ trợ Trung Quốc tiếp tục sản xuất cho đối tác đang đầu tư Việt Nam. Vì vậy, rất khó để DN Việt chen chân trong chuỗi cung ứng này.
Hơn nữa, để có được kỹ sư tay nghề cao DN Việt phải tốn thời gian, chi phí đào tạo nhưng trước sự đổ bộ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động do cạnh tranh lẫn nhau.
.Nhiều thông tin cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc đang “săn lùng” các công ty trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt, thưa ông?
+ Mua bán, sáp nhập là một trong những cách nhanh nhất để DN nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam. Vì vậy thời gian gần đây nhiều công ty Trung Quốc đang chuyển dịch mạnh mẽ sang Việt Nam, thậm chí họ tìm mua các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ngay như Công ty Duy Khanh của tôi, doanh nghiệp Trung Quốc cũng tìm đến đặt vấn đề đầu tư vốn. Đây là thách thức cho các DN công nghiệp hỗ trợ nói chung và chúng tôi nói riêng.
Để DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không phải “bán mình”
. Với tiềm lực yếu hơn, ông có lo ngại hàng loạt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải “bán mình” không ?
+ Đây là vấn đề DN Việt lo lắng nhưng quyết tâm vượt qua thách thức. Theo đó, DN Việt muốn tham gia vào chuỗi cung ứng phải đầu tư đủ mạnh để có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời để khách hàng tin tưởng vào khả năng đáp ứng được các yêu cầu.
Song song đó, DN cần có hệ thống quản trị, giải pháp kỹ thuật chất lượng mới cạnh tranh được với DN nước ngoài, nhất là công ty Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đòi hỏi DN phải có nguồn lực đủ mạnh nhưng đa phần DN công nghiệp hỗ trợ với quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực yếu. Trong khi đó, muốn vay vốn DN phải có tài sản thế chấp thì đây là bài toán nan giải của chúng tôi hiện nay.
Hơn nữa, không chỉ khó khăn về nguồn lực, có được khách hàng cũng là vấn đề lớn đối với DN hiện nay.
. Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vượt qua thách thức trên, theo ông Việt Nam cần làm gì?
+ Để DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không phải “bán mình” rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Đơn cử, chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ lãi suất mà TP.HCM triển khai từ năm 2010-2020 đã mang lại nhiều lợi ích cho DN, đã ươm mầm một số DN lớn dần lên.
Tuy nhiên, trong ba năm qua chương trình bị gián đoạn khiến nhiều DN đã được duyệt dự án kích cầu rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.
Cụ thể, Hội có 10 công ty đã được duyệt tham gia chương trình kích cầu, các DN đã thực hiện xong cơ bản các dự án theo quyết định kích cầu được duyệt. Các DN mạnh dạn vay ngân hàng để xây dựng nhà máy, trang thiết bị máy móc hiện đại…. nhưng từ năm 2020 đến nay các công ty vẫn chưa nhận được tiền bù lãi của thành phố.
Trong lúc lãi suất ngân hàng có lúc lên đến 12% và hiện nay lãi suất vay vốn dài hạn vẫn còn cao. Có công ty một tháng trả lãi hơn tỉ đồng, có DN cổ đông lần lượt phải bán nhà để trả lãi ngân hàng…vì nếu để nợ xấu là không thể vay vốn làm ăn trong tương lai.
Sở dĩ các DN lâm vào thế khó khăn là do khi làm dự án đã tính đến nguồn hỗ trợ lãi suất trong dòng tiền của dự án nhưng chưa được thành phố giải ngân theo kế hoạch dự án.
Năm 2023, các công ty đã gởi công văn kêu cứu đến lần thứ 4 nhưng vẫn chưa được thành phố tháo gỡ. Trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nếu các công ty không sớm nhận được hỗ trợ thành phố có nguy cơ dẫn đến phá sản hoặc bị DN nước ngoài thâu tóm là không tránh khỏi.
Nhìn lại DN cơ khí Việt Nam thật chạnh lòng, không biết đến khi nào DN Việt Nam mới có điều kiện phát triển, để không bị họ bỏ lại quá xa.
Để doanh nghiệp Việt không bị bỏ lại quá xa
. Chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM sắp khởi động lại, doanh nghiệp có những đề xuất nào thưa ông?
+ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98, trong đó có nội dung thành phố được hỗ trợ lãi suất cho các dự án thuộc các ngành kinh tế trọng điểm, nguồn tiền chi cho chương trình này thuộc nguồn vốn đầu tư công.
Trên cơ sở đó, thành phố đã có Nghị quyết 09/2023 ngày 30-9-2023 về hỗ trợ lãi suất vay đối với các dự án được Công ty cổ phần đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM cho vay.
Đến nay Nghị quyết này vẫn chưa triển khai được, làm mất cơ hội đầu tư phát triển của các DN ngành cơ khí công nghiệp hỗ trợ.
Và đối với các dự án kích cầu đầu tư đã được phê duyệt, chúng tôi rất mong thành phố sớm hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý để DN được nhận hỗ trợ lãi suất.
Tôi vừa có chuyến đi Trung Quốc tham quan các nhà máy cơ khí của họ, thấy rằng DN Trung Quốc phát triển vượt bậc trên nền tảng hỗ trợ của chính sách phát triển công nghiệp của nhà nước Trung Quốc.
Nhìn lại DN cơ khí Việt Nam thật chạnh lòng, không biết đến khi nào DN Việt Nam mới có điều kiện phát triển, để không bị họ bỏ lại quá xa!
Xin cảm ơn ông!
Chủ yếu cung cấp vật tư có giá trị thấp
Theo Bộ Công thương, trong hơn 5.000 DN nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có hơn 1.000 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Hầu hết DN công nghiệp hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp.
Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20-3 tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,17 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,28 tỉ USD, chiếm 47,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Vị trí thứ ba là Trung Quốc 481,3 triệu USD, chiếm 10,1%...