Doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn

(PLO)- Hơn 40% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam trong một, hai năm tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-1, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nước ngoài năm 2023.

Tại Việt Nam đang có 1.336 doanh nghiệp Nhật Bản trong ngành chế tạo và phi chế tạo tham gia khảo sát.

Năm 2023, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi là 54,3%, giảm 5,2 điểm so với năm trước, tương đương năm 2021 khi còn trong dịch COVID-19. Đây là năm thứ ba liên tiếp thấp hơn mức bình quân 60,9% của Asean.

Tỉ lệ “có lãi” những năm 2017-2019 trước dịch COVID-19 luôn trên dưới 65%, vượt mức bình quân của Asean.

Kỳ vọng về lợi nhuận kinh doanh năm 2024 so với năm 2023 có 50,4% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi “cải thiện”.

doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị nhà bán lẻ Nhật Bản-Aeon quận Tân Phú TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN

Về sức hấp dẫn và khó khăn môi trường đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng nhưng thừa nhận phải đối mặt với nhiều thách thức.

Số doanh nghiệp cho rằng tăng trưởng thị trường của Việt Nam là lợi thế, cao hơn 14,6 điểm so với trung bình của Asean nhưng số DN cho rằng sự kém hiệu quả của các thủ tục hành chính (cấp phép...) là rủi ro, cao hơn 21,0 điểm so với mức trung bình của Asean.

Nhiều doanh nghiệp đánh giá Việt Nam có những rủi ro như sự kém hiệu quả trong các thủ tục hành chính và thủ tục thuế; chi phí lao động tăng cao; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, không rõ ràng.

Các vấn đề liên quan đến visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài, hạ tầng điện lực... được DN phản hồi cao hơn so với các nước Asean khác.

Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 41,9% tăng gần 10% trong 10 năm. So với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia vẫn ở mức thấp nhưng tốc độ tăng trưởng 10 năm qua Việt Nam đứng thứ hai sau Ấn Độ.

Về tỉ lệ thu mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam có 41,9% doanh nghiệp, tăng 4,6 điểm so với khảo sát năm trước.

Thu mua từ các DN địa phương Việt Nam là 17,2% (tăng 2,2 điểm so với năm ngoái). Vẫn ở mức thấp so với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và đứng thứ 4/6 nước chủ chốt của Asean.

DN Nhật Bản vẫn có động lực cao trong thúc đẩy hoạt động thu mua tại chỗ, đồng thời kỳ vọng vào sự đào tạo, phát triển hơn nữa đối với ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo đó, có 43,2 DN phản hồi sẽ mở rộng mua nguyên vật liệu, linh phụ kiện tại chỗ ở Việt Nam trong một đến hai năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của Asean. Xét theo quốc gia/khu vực, Việt Nam chỉ sau Ấn Độ, Pakistan và đứng đầu trong Asean.

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong một, hai năm tới có 56,7% DN Nhật Bản trả lời "mở rộng" tại Việt Nam (giảm 3,3 điểm so với năm trước).

Ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, điểm nổi bật trong khảo sát là tỉ lệ DN Nhật trả lời “làm ăn có lãi” và “sẽ mở rộng đầu tư trong thời gian tới” vẫn chiếm tỉ lệ cao.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận một số điểm sụt giảm, một phần do ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Tuy nhiên chúng tôi quan tâm nhiều đến điểm tích cực.

JETRO TP.HCM tiếp nhiều DN Nhật Bản tìm hiểu thông tin, môi trường đầu tư. JETRO có 75 văn phòng đại diện khắp các quốc gia vùng lãnh thổ, văn phòng tại TP.HCM bận rộn thứ hai sau văn phòng tại Bangkok.

Tương lai, JETRO kết hợp với cơ quan Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Việt Nam là thị trường hấp dẫn với dân số hơn 100 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 4.000 USD/năm. Đây là lý do doanh nghiệp ngành phi chế tạo Nhật Bản quan tâm nhiều.

Doanh nghiệp ngành chế tạo tìm đến cũng không ít nhưng do kinh tế giới bị đình trệ, tiền Yên giảm, doanh nghiệp Nhật hơi dè dặt khi đầu tư ra nước ngoài.

Tương lai khi đồng Yên phục hồi các doanh nghiệp Nhật đã đến hỏi trong thời gian này sẽ quay lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm