Nhiều doanh nghiệp tự xoay sở để phục hồi

(PLO)- Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường trong tám tháng đầu năm 2022 tăng cao kỷ lục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tổng Cục thống kê, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong 8 tháng đầu năm nay ghi nhận con số tăng cao kỷ lục.

Cơ quan này cho biết, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tám tháng đầu năm nay ghi nhận con số cao nhất trong giai đoạn tám tháng đầu năm từ trước đến nay với 149.500 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 48.100 doanh nghiệp, tăng 48,3%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó phải kể đến các lĩnh vực đã chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua.

Trong đó, những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 1.684 doanh nghiệp, tăng 61,3%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (18.063 doanh nghiệp, tăng 58,3%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.765 doanh nghiệp, tăng 51,0%)…

Tuy vậy, trở lại thị trường sau hai năm mệt mỏi vì chống dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Trước tiên, là khó khăn đối với các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng hoạt động là việc tuyển dụng lao động phục vụ cho sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã phải có các phương án về nhà ở, bố trí công việc, lương thưởng, chế độ đãi ngộ để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Không chỉ có vậy, việc tiếp cận dòng vốn tín dụng tại các ngân hàng cũng không phải dễ dàng do hầu hết các ngân hàng đều cạn room tín dụng. Thậm chí những ngân hàng vừa được NHNN nới room tín dụng thì đối tượng cho vay cũng cần phải được lựa chọn kỹ càng.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc tiếp cận vốn ngân hàng lại càng khó khăn hơn, do phần lớn không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ ngân sách hiện vẫn đóng băng do có nhiều rào cản.

Phản ánh từ thực tế, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết: "Chi phí vận hành, giá nguyên liệu từ đầu năm đến giờ đều tăng cao, khiến cho nhu cầu nguồn vốn của doanh nghiệp ước tăng khoảng 50-60% so với trước đây. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp càng lớn hơn, do cần chuẩn bị cho việc tích trữ nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng lễ, Tết.

Dù nhiều doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho thành phố, thế nhưng các doanh nghiệp ngành này vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, chứ chưa nói đến chính sách ưu đãi 2%/năm lãi suất”.

Tương tự, các hiệp hội ngành nghề đều cho rằng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang rất lớn để phục vụ kế hoạch kinh doanh năm.

Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN, tính đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm ngoái, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm