Khi được hỏi ở nhà các em có bị cha mẹ bạo hành hay không, một em học sinh ở TP.HCM đã hồn nhiên chia sẻ: “Ở nhà con vẫn bị ba đánh đòn”. Một em học sinh khác bày tỏ rằng em khá mệt mỏi với áp lực học hành vì: “Nếu điểm con thấp hơn các bạn, thế nào cũng bị ba mẹ cằn nhằn, la mắng”. Cũng có em chia sẻ riêng với chúng tôi: “Ở nhà, nếu em góp ý gì cho ba là bị chửi te tua luôn đó”.
Đó là một trong số các ý kiến được bày tỏ tại sự kiện truyền thông “Cha và con trai phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra vào Chủ nhật vừa qua. Hơn 150 gia đình với hơn 300 thành viên trên địa bàn quận 10 và các quận lân cận đã tham gia sự kiện này, trong đó số lượng các cặp cha và con trai chiếm ưu thế về số lượng. Sự kiện do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp cùng Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức nhằm huy động nam giới đồng hành chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì một gia đình bình đẳng, xã hội văn minh không có bạo lực.
Các gia đình tham gia thi tìm hiểu kiến thức tại sự kiện truyền thông “Cha và con trai phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Ảnh: H.MINH
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: “Hầu hết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em do nam giới gây ra, tuy nhiên nam giới chưa hiểu rõ các hành vi của mình có thể gây tác động xấu đến người khác.
Nhiều ông bố vẫn mặc nhiên cho mình quyền được dùng bạo lực để “dạy dỗ” vợ con khiến không khí trong gia đình căng thẳng. Hoặc nhiều người vẫn xem bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà. Chúng tôi tổ chức sự kiện này và kêu gọi sự tham gia của các cha và con trai để nâng cao nhận thức cho họ, vừa để bảo vệ cho những người phụ nữ xung quanh, vừa để bảo vệ chính họ không vi phạm pháp luật”. Bà cũng cho biết sắp tới Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới sẽ có nhiều hoạt động truyền thông tới nam giới mạnh mẽ hơn.
Trước đây, trong nhiều hội thảo liên quan đến vấn đề bạo lực và bất bình đẳng giới cấp quận và thành phố, nhiều đại biểu nữ đã nhận định rằng: Hầu hết chỉ có chị em chúng ta tiếp cận vấn đề và truyền thông cho nhau. Vấn đề bình đẳng giới cho phụ nữ cần có sự tham gia mạnh mẽ của đàn ông bởi họ chủ yếu là tác nhân gây ra bất bình đẳng giới. Các ý kiến này đã được các chuyên gia về giới ghi nhận và Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới của TP.HCM đã có nhiều buổi truyền thông đến nam giới trong năm 2019.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), 51,9% học sinh đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực. Tổ chức Save The Children Việt Nam đã trích dẫn Điều 19 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em trong các tài liệu truyền thông: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, không ai được phép làm tổn hại cơ thể cũng như tinh thần trẻ em như đánh đập, dọa nạt, xúc phạm hoặc bất cứ hình thức nào khác”.
Cần gắn kết nam giới để vận động bình đẳng giới Bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện chương trình phòng chống bạo lực giới của UN Women, cho rằng hiện nay phần lớn những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Vì thế, để ứng phó có hiệu quả đối với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, mọi người cần gắn kết nam giới để vận động và thực hiện các chính sách về giới. |