Nhiều khó khăn trước thềm năm học mới

(PLO)- Tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày chưa cao, thiếu trường lớp tại một số địa phương, giáo viên một số môn không thể tuyển dụng... là những vấn đề được đưa ra tại hội nghị chuẩn bị cho năm học mới vào ngày 19-8.

Ngày 19-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam (VN) TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2022-2023 trên địa bàn TP.HCM.

Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu lau chùi bàn ghế, lớp học chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. Ảnh: NT

Thiếu trường lớp, giáo viên

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, cho biết qua các buổi khảo sát, đoàn khảo sát của Ủy ban MTTQ nhận thấy công tác GD&ĐT được các cấp quan tâm trong quy hoạch quỹ đất cho giáo dục, bố trí ngân sách của địa phương. Công tác triển khai kế hoạch tuyển sinh được triển khai sớm. Các quận thực hiện tốt chế độ miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và con hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ được quan tâm thông qua ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. Các trường phối hợp với trung tâm y tế quận, trạm y tế phường thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, khử khuẩn trước khi đón học sinh (HS) khai giảng năm học mới…

Tuy nhiên, ngành GD&ĐT còn tồn tại nhiều vấn đề như tỉ lệ HS học hai buổi/ngày tại các địa phương có dân số tăng cơ học cao chưa đảm bảo; việc xây dựng trường lớp các địa phương chưa theo kịp số lượng HS tăng; công tác tuyển giáo viên (GV) chuyên ngành như Anh văn, âm nhạc, mỹ thuật khó khăn không có người ứng tuyển; một số trường hợp do điều kiện về kinh phí nên cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng. Một số địa phương có tình trạng vừa thừa vừa thiếu lớp học.

Kết quả khảo sát ngẫu nhiên theo hình thức trực tuyến đối với 28.347 phụ huynh của Mặt trận địa phương cho thấy phần đông phụ huynh đánh giá tốt về mức đóng học phí, công tác triển khai thủ tục nhập học đầu năm, môi trường giáo dục, chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn; việc học vẫn còn áp lực trong thi cử, chương trình học còn nhiều, cần giảm bớt, dành thêm thời gian học ngoại khóa, kỹ năng sống; trường học cần quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là nhà vệ sinh (NVS), căn tin…

Các khoản đóng góp, mua sắm dụng cụ học tập đầu năm cho nhà trường ngoài học phí là quá lớn.

“Nhiều vấn đề phải rà soát”

“Kết quả khảo sát của Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN TP các quận, huyện đã cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải rà soát trước thềm năm học mới” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định tại hội nghị.

Theo ông Hiếu, NVS tại các trường học là vấn đề luôn được TP quan tâm đầu tư. Năm học nào hạng mục này cũng có nguồn kinh phí để sửa chữa và nâng cấp. Tuy nhiên, qua khảo sát có đến 14% phụ huynh cho rằng NVS chưa đảm bảo, đó là điều không thể chấp nhận.

Tránh tình trạng lạm thu dưới hình thức xã hội hóa

Vấn đề lạm thu luôn xảy ra. Lạm thu dưới hình thức xã hội hóa rất nhiều. Xã hội hóa là chủ trương tốt để trang bị cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng dạy và học.

Xã hội hóa là giải pháp tốt, tuy nhiên thu thế nào, thu của ai, thu bao nhiêu là điều nên bàn. Vấn đề này chúng tôi kiến nghị Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT hết sức lưu ý vì điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn.

Ông TRẦN TRUNG MẬU,

Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM

“Lãnh đạo Sở GD&ĐT xin nhận trách nhiệm và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh. Kinh phí hằng năm dành cho NVS không thiếu. Tuy nhiên, có khó khăn do quy mô trường lớp quá đông. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, HS tiểu học một trường không quá 30 lớp, một lớp không quá 35 HS. Nhưng thực tế một số trường tại TP.HCM có hơn 3.000 HS. Điều này khiến cho việc vệ sinh khu vực này gặp khó khăn, do đó đòi hỏi sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường. NVS tại trường học phải sạch vì nếu dơ thì HS không dám đi vào sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Do đó, trách nhiệm của hiệu trưởng trong vấn đề này rất lớn.

Liên quan đến việc tuyển dụng GV, giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp tục triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở lớp 3 môn tiếng Anh và tin học là hai môn bắt buộc. “GV hai môn này khó tuyển dụng là do mức lương hiện tại khó thu hút các ứng cử viên. Bởi sinh viên sau khi ra trường sẽ có thu nhập cao hơn nếu chọn ngành nghề khác. Theo thống kê, các quận, huyện thiếu khoảng 500-600 GV. Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT các quận, huyện tuyển sinh trong tháng 8, nếu tuyển không đủ thì có thể sắp xếp tuyển bổ sung” - ông Hiếu giải thích.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết thêm dù đã bước sang năm thứ ba thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng TP vẫn chưa thể in ấn tài liệu giáo dục địa phương.

“Sách giáo khoa được xã hội hóa, có nhà xuất bản biên soạn, in ấn và phát hành trong khi đó tài liệu giáo dục địa phương do TP biên soạn, là tài sản công, không thể tổ chức đấu thầu, in ấn. Sở GD&ĐT đã nhiều lần làm việc với Sở Tài chính nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Hiện Sở GD&ĐT đang dự định sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP xin ngân sách để hằng năm in tài liệu này. Dự trù kinh phí mỗi năm khoảng 12 tỉ đồng để in tài liệu cho các em học. Hiện các em chủ yếu học trên mạng” - ông Hiếu nói.•

Trường Mầm non quận 3 vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ cho người dân trên địa bàn quận 3. Ảnh: ĐK

Năm học 2022-2023, dự kiến toàn TP tăng hơn 20.000 học sinh

Năm học 2022-2023, dự kiến toàn TP tăng 21.825 HS. Trong đó, mầm non tăng 6.587 HS, tiểu học giảm 11.181 HS, THCS giảm 13.661 HS và THPT tăng 12.761 HS. Số HS tăng tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn.

Dự kiến đến tháng 9, TP tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng, với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ đồng.

Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới