Nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm chuyện môn sử

(PLO)- Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cho hay đang có sự hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn lịch sử ở cấp THPT.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-5, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Cử tri bức xúc về bỏ hay học môn lịch sử

Cử tri Nguyễn Đình Hùng (ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho hay bản thân ông từng là giáo viên, công tác trong ngành giáo dục gần 40 năm. Khi nghe thông tin môn lịch sử được đưa vào chương trình tự chọn, ông đã rất lo lắng. Bởi hiện nay vẫn có rất nhiều em học sinh hiểu biết mơ hồ về lịch sử dân tộc. Một số cử tri tại quận Cẩm Lệ cũng tỏ ra rất băn khoăn trước thông tin này.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng trả lời cử tri Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng trả lời cử tri Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Trả lời cử tri, ông Võ Văn Thưởng cho hay dư luận xã hội đang rất quan tâm đến việc mà các cử tri nêu ra. Ở cấp THCS, ngành giáo dục phải giải quyết cơ bản nội dung môn lịch sử. Dù cho cấp THPT có bắt buộc học môn lịch sử hay không thì nội dung giáo dục lịch sử là tương đối nhiều.

Theo ông Thưởng, đang có cách diễn đạt gây hiểu lầm rằng sẽ bỏ môn lịch sử ở cấp THPT. “Nói là bỏ môn lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc hay môn lịch sử không còn là môn học bắt buộc thì tôi nghe cũng không đồng tình. Ở đây không chỉ cử tri bức xúc đâu, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này” - ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cho hay đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đánh giá lại cho thật kỹ, công bố số liệu để nhân dân được biết. Trung ương cũng đang chỉ đạo rà soát, xem xét làm rõ lại.

“Gia đình sẽ như thế nào nếu con cháu ta không biết tổ tiên là ai, làm gì, ở đâu. Quốc gia sẽ thật là đau khổ khi một công dân không biết lịch sử của dân tộc, đất nước mình. Những bài học trong lịch sử trải qua luôn là kinh nghiệm quý để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hiện tại. Sự quan tâm, lo lắng của cử tri là chính đáng” - ông Thưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thưởng, tài liệu nghiên cứu chỉ ra nếu học sinh không chọn lịch sử là môn bắt buộc ở chương trình THPT thì số tiết dạy môn này vẫn nhiều hơn 71 tiết so với chương trình cũ. Và nếu học sinh chọn lịch sử là môn bắt buộc thì số tiết học còn nhiều hơn chương trình cũ 176 tiết. Hơn nữa, chương trình giáo dục mới còn có những môn như quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc và môn học về địa phương liên quan nhiều tới lịch sử.

Cử tri Nguyễn Đình Hùng lo lắng trước thông tin bỏ môn học lịch sử ở cấp THPT. Ảnh: TẤN VIỆT

Cử tri Nguyễn Đình Hùng lo lắng trước thông tin bỏ môn học lịch sử ở cấp THPT.
Ảnh: TẤN VIỆT

Nâng giá thiết bị y tế là tội ác

Cũng tại hội nghị, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc khi liên tục có những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành bị phanh phui thời gian qua.

Cử tri Nguyễn Bá Hội (ngụ xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) cho rằng vụ án Công ty Việt Á và một số bệnh viện lợi dụng chủ trương xã hội hóa một số trang thiết bị y tế, nâng khống giá để thu tiền bệnh nhân là tội ác. “Vụ này như một gáo nước lạnh dội vào niềm tin của nhân dân, kẻ thù lợi dụng nói xấu chế độ ta. Cơ quan làm luật nghĩ gì về vụ án này?” - ông Hội đặt câu hỏi.

Trả lời cử tri, ông Thưởng nêu khi Đảng ta kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, vận động người dân từ em bé đến cụ già góp sức vào công cuộc chống dịch thì chỗ này, chỗ khác móc nối với nhau nâng giá thiết bị y tế, hưởng hoa hồng rất cao.

Hay khi đồng bào ta ở nước ngoài muốn về nước thì các cơ quan móc nối với nhau thu nhận tiền của người dân, nâng giá để những người muốn về nước, trong đó có học sinh, sinh viên, người lao động, người cao tuổi phải đóng thêm tiền.

“Những vụ này động chạm đến tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam. Trung ương kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm, nhất quán quan điểm không có ngoại lệ, không có vùng cấm, phát hiện đến đâu xử lý đến đó. Không đợi điều tra xong mới xử lý, bởi điều tra xong tổng thể rất lâu nhưng chỗ nào rõ rồi thì xử lý chỗ đó” - ông Thưởng khẳng định.

Vì sao vào kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm?

Tại buổi tiếp xúc, ông Võ Văn Thưởng khẳng định: “Tham nhũng đang từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Thời gian qua, chúng ta giải quyết nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có vụ án có sự câu kết của doanh nghiệp với cán bộ hư hỏng trong bộ máy ở các cấp từ cơ sở đến trung ương. Nhiều vụ án thách thức dư luận, thách thức chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Cũng theo Thường trực Ban bí thư, quy định bây giờ là phát hiện ra một vụ việc sai phạm nhưng trước đây thanh tra, kiểm toán có vào giám sát mà không phát hiện ra thì sau này khi xử lý sẽ đồng thời xem xét cả cơ quan kiểm tra, thanh tra trước đó. “Vì sao ngày xưa anh vào kiểm tra không phát hiện ra, vì anh yếu hay anh bắt tay, xuê xoa cho qua” - ông Thưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm