Từ ngày 1-4-2021, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu mới sẽ được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
So với mẫu hiện hành thì mẫu thẻ BHYT mới có điểm khác biệt nào? Mang lại cho người tham gia những tiện ích ra sao?... Đây là những câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm gửi đến Pháp Luật TP.HCM.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM sẽ giải đáp những thắc mắc này của bạn đọc.
Thẻ BHYT mới sẽ như thẻ ATM
. Về hình thức bên ngoài thì thẻ BHYT mới sẽ được thay đổi như thế nào?
+ BHXH TP.HCM: Mẫu thẻ BHYT mới là một giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành BHXH Việt Nam.
Mẫu thẻ mới có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn. Kích thước thẻ BHYT mới bằng thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng hiện nay.
Điều này thuận tiện cho người dùng khi cất giữ, bảo quản, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT. Thẻ mới dày hơn, được ép plastic nên sẽ khó hỏng, giúp cho người tham gia giảm thời gian làm thủ tục đổi thẻ hỏng, tiết kiệm chi phí liên hệ và đi lại.
Ngoài ra, thẻ mới thay đổi kiểu chữ in rõ nét, dễ đọc, dễ kiểm tra, hạn chế được sai sót thông tin in trên thẻ.
. Khi thay đổi thẻ mới, mã số cũ sẽ được thay đổi như thế nào và việc thay đổi sẽ mang lại lợi ích gì cho người tham gia BHYT?
+ Thẻ BHYT mới có 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia, được sử dụng để tra cứu thông tin về thẻ BHYT và sẽ thay thế 15 ký tự mã số thẻ BHYT hiện nay.
Điều này sẽ giúp giảm bớt số lượng ký tự mà người tham gia cần khai báo khi tra cứu trên cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ truy cập http://baohiemxahoi.gov.vn hoặc khai báo khi làm thủ tục đề nghị tiếp tục tham gia BHYT; cấp lại, đổi thẻ; kiểm tra chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Ngoài ra, mẫu thẻ mới dùng dấu phiên hiệu của BHXH Việt Nam và in chữ ký quét của trưởng Ban quản lý thu - sổ, thẻ hoặc người đứng đầu đơn vị thuộc BHXH được tổng giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh. Từ đó giúp công tác giải quyết việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn, được giải quyết ngay tại cơ quan BHXH gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp người tham gia BHYT không may bị mất, hỏng thẻ.
Mặt sau mẫu thẻ mới có bổ sung chỉ dẫn sử dụng thẻ BHYT cụ thể hơn, giúp người tham gia biết cách tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng. Việc bổ sung thông tin sẽ giúp người tham gia nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn, giải đáp mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẻ và việc sử dụng thẻ.
Từ ngày 1-4-2021, người tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ BHYT mẫu mới. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Thẻ cũ còn hạn vẫn được sử dụng
. Đối với những thẻ BHYT vẫn còn hạn sử dụng đến hết năm 2021 thì việc sử dụng và cấp đổi thẻ mới sẽ được thực hiện như thế nào?
+ Từ nay đến ngày 1-4-2021, đối với những thẻ BHYT đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng để khám chữa bệnh BHYT bình thường. Những thông tin về quyền lợi BHYT của người tham gia như mã mức hưởng và mã nơi đối tượng sinh sống vẫn được in trên thẻ BHYT mẫu mới.
Tuy nhiên, từ ngày 1-4-2021, nếu cần biết rõ hơn về các thông tin quản lý khác như mã đối tượng đóng BHYT, địa chỉ cư trú… của người tham gia thì sẽ cần thực hiện tra cứu trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT và cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam ở địa chỉ http://baohiemxahoi.gov.vn.
Ngoài ra, việc tra cứu trên cổng thông tin còn giúp người tham gia biết thêm về thời gian được miễn cùng chi trả trong phạm vi quyền lợi BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Giúp theo dõi được quá trình điều trị của bệnh nhân
Thẻ BHYT mới được sử dụng chất liệu giấy tốt hơn và được ép plastic sẽ khắc phục được tình trạng mã vạch in trên thẻ bị mờ như thẻ cũ.
Việc này giúp cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện việc sử dụng máy đọc mã vạch rõ ràng, chính xác và làm thủ tục khám chữa bệnh nhanh hơn.
Từ ngày 1-4-2021, cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc sẽ có điều chỉnh kết nối với cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Theo đó sẽ giúp cơ sở khám chữa bệnh quản lý hồ sơ bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT chặt chẽ hơn, thuận tiện hơn đối với công tác theo dõi tiền sử bệnh, sử dụng thuốc… trong quá trình điều trị của người có thẻ BHYT.