Nhiều người dễ chết vì đa cấp rất tinh vi

Bây giờ có nhiều công ty kinh doanh kiểu đa cấp nhưng họ không bao giờ tự nhận mình là đa cấp. Họ có “kịch bản” đẹp hơn, thông minh hơn khiến người tham gia dễ bị “chết sâu” hơn, ngay cả những người dị ứng với đa cấp cũng có khi bị dụ vào vòng xoáy kinh doanh này.

Gia đình tôi thường xem tivi, báo chí và nhắc nhau tránh xa đa cấp bất chính. Nhưng vừa qua cả gia đình ngã ngửa khi chị họ của tôi bị nhiều người tới nhà đòi nợ vì dính vào một công ty đa cấp chăm sóc sức khỏe. Tới mức ấy, chị vẫn luống cuống giải thích đây không phải là công ty đa cấp mà là một “hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh”. Công ty không bán sản phẩm, không lừa gạt ai, chỉ mở một mã số cho người tham gia. Người tham gia mua một mã số với giá tiền từ 4 triệu đến 12 triệu đồng/người rồi chỉ cần lôi kéo thêm hai người là được lên cấp và được trả hoa hồng tới 80%. Họ hứa hẹn nếu “tuyến dưới” xây dựng đủ 12 tầng, người chơi sẽ bỏ túi vài tỉ đồng ngon lành.

Cả gia đình chia nhau đi tìm hiểu mới biết hệ thống chăm sóc sức khỏe nói trên chỉ là làm cảnh, lâu lâu có “bác sĩ” tới nói chuyện, xoa bóp, massage... Hoạt động chính là kiếm người vô hệ thống, đóng tiền để tuyến trên được lãnh hoa hồng. Nghe số tiền khủng khiếp tới mức vô lý nhưng họ lại rất tin đây là hệ thống thông minh, vượt lên cả những hình thức bảo hiểm hiện đại nhất khi mỗi người bỏ ra vài triệu đồng nhưng có tương lai xán lạn phía trước.

Chị họ tôi đã nhiệt tình “tư vấn” và đưa nhiều người quen vào hệ thống. Nhưng sau khi đóng tiền, nhiều người không tuyển thêm được tuyến dưới nên bị khóa mã số. Sau đó, công ty chuyển trụ sở, không trả tiền cho người tham gia. Lúc này chị tôi bị những người chị từng chiêu dụ vây đòi nợ. Khi theo chị đến công ty yêu cầu giải quyết, chúng tôi mới biết rằng có rất nhiều người bỏ ra cả trăm triệu đồng mua mã số để mong có tiền tỉ.

Vợ chồng anh chị tôi lục đục trong thời gian rất dài. Anh giận chị làm mất tiền và làm ảnh hưởng tới cả gia đình bởi nhiều người “cấp dưới” là bạn bè thân thiết. Chị khóc rất nhiều và suy sụp. Nếu công ty không “bỏ chạy” sớm, có lẽ chị đã dấn sâu hơn và mất tiền nhiều hơn.

Trong số các “đại lý” đi đòi nợ công ty có cả những người nông dân chân lấm tay bùn ở tận miền Tây lên nghe nói về “mô hình kinh doanh tương trợ”. Có người ôm cả cục tiền vài chục triệu đồng đi đăng ký vài mã số, lôi kéo thêm họ hàng tham gia. Có gia đình đổ ra hơn 200 triệu đồng tham gia, nay sống dở chết dở.

Bây giờ, các công ty luôn tránh từ “đa cấp” vì đã có nhiều người cảnh giác với từ này. Đa cấp ngày nay biến tướng rất tinh vi. Rất nhiều người dân không đủ sức đề kháng trước sự cám dỗ của nó. Tôi chỉ mong Nhà nước có phương kế siết thật chặt các công ty này, muộn còn hơn không.

Khi ngồi viết những dòng này, tôi nhận được tin tháng sau anh chị tôi sẽ ra tòa làm thủ tục ly hôn…

Như Quỳnh (Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới