Nhiều nhãn hiệu được cấp bảo hộ nhưng ‘cất trong tủ kính’

(PLO)-  Một số chủ sở hữu không chú trọng khai thác, phát huy nhãn hiệu sau khi được cấp văn bằng bảo hộ dẫn đến tình trạng nhiều nhãn hiệu tập thể chỉ “cất trong tủ kính”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, tại TP Đà Nẵng, Trường ĐH Luật (ĐH Huế) tổ chức hội thảo Xác lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ mang tên địa danh để phát triển kinh tế- xã hội địa phương ở Việt Nam.

PGS.TS Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế) cho biết nghiên cứu ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cho thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đến tài sản trí tuệ địa phương.

Nhiều tài sản trí tuệ đã được bảo hộ như: Chỉ dẫn địa lý “Nón Lá Huế”, “Tinh dầu tràm Huế”, “Tỏi Lý Sơn”, “Quế Trà Bồng” và hàng trăm nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể (nhãn hiệu Bún bò Huế, Chè Ô Long…).

“Tài sản trí tuệ gắn với các địa danh đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể hay tri thức truyền thống ở Việt Nam đã tạo nên thương hiệu trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ này vẫn còn là những tiềm năng vô tận. Việc phát hiện để xác lập, quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam luôn là vấn đề cần thiết”- ông nói.

Hội thảo thu hút sự tham gia tích cực của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên sau đại học tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước. Ảnh: T.AN

Hội thảo thu hút sự tham gia tích cực của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên sau đại học tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước. Ảnh: T.AN

Thông tin về thực trạng phát huy nhãn hiệu tập thể mang yếu tố địa danh tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Tứ (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết đây là địa phương có số lượng hồ sơ đăng ký và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho các tài sản trí tuệ tương đối nhiều.

Đến năm 2020, số văn bằng nhãn hiệu tập thể được cấp tại Quảng Ngãi là hơn 34. Trong đó Quế Trà Bồng và Tỏi Lý Sơn đã được các chủ đơn hủy văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm quế và tỏi từ tháng 7-2020.

Sản phẩm, hàng hóa chủ yếu đã đăng ký nhãn hiệu tập thể thuộc nhóm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chưa có sản phẩm, dịch vụ chuyên phục vụ phát triển du lịch.

Một số sản phẩm sau khi được bảo hộ bước đầu đã khai thác, phát triển tốt. Có thể kể đến như nhãn hiệu Chả cá Lý Sơn của HTX dịch vụ thương mại Lý Sơn Xanh. Sản phẩm sau khi được bảo hộ phần nào tạo tiền đề để các thành viên HTX mở rộng quy mô sản xuất, có thêm thu nhập từ nghề làm chả cá.

Đến năm 2020, thương hiệu Chả cá Lý Sơn đã thực sự phát triển lan rộng trong toàn tỉnh và thu hút khách du lịch trong cả nước khi đến với Quảng Ngãi.

Tương tự là nhãn hiệu Nếp ngự Sa Huỳnh của HTX nông nghiệp Phổ Châu. Sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, giá trị của sản phẩm ngày một tăng lên, quy mô và quy trình sản xuất được mở rộng, có thể cạnh tranh với các loại nếp nổi tiếng trên thị trường.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Tuy nhiên, ông Tứ cho rằng việc khai thác nhãn hiệu tập thể mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ ở Quảng Ngãi vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết giá trị, tiềm năng mong đợi.

Một trong đó là tình trạng chủ sở hữu chỉ lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu theo phong trào, hình thức. Một số chỉ chú trọng bước xây dựng, xác lập nhãn hiệu mà không dự liệu, chú trọng đến khâu khai thác, phát huy nhãn hiệu sau khi được cấp văn bằng bảo hộ.

“Có thể kể là nhãn hiệu Muối Sa Huỳnh. Dù được cấp văn bằng bảo hộ từ năm 2011 nhưng những năm qua hoạt động sản xuất, chế biến muối truyền thống không có chuyển biến tích cực. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu thương hiệu không được quan tâm, đời sống của diêm dân ở Sa Huỳnh gặp nhiều khó khăn, nghề muối truyền thống đối mặt với nguy cơ mai một”- ông dẫn chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm