Nhiều quyết sách chưa nghe thấu đáo ý dân

Chiều qua (11-12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về xem xét báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Lấy ý kiến còn hình thức

Trình bày báo cáo giám sát, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho hay trong việc ban hành nghị quyết chưa đảm bảo chặt chẽ quy trình theo luật định.

“Nhất là việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt nên còn lúng túng trong xây dựng nội dung nghị quyết quy phạm pháp luật dẫn đến gửi hồ sơ đến các ban của HĐND thẩm tra còn chậm” - ông Túy nói.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ lo lắng và cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng. “Đây là nơi ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương mà không theo trình tự luật định thì nguy, bởi nếu sai sót thì gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng tới xã hội” - ông Giàu nói.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng báo cáo giám sát cần làm sâu hơn những bất cập trong quy trình ban hành nghị quyết của HĐND. “Trong báo cáo nói đánh giá tác động, lấy ý kiến nhân dân còn hình thức. Ví dụ như BOT Cai Lậy, nếu quy trình lấy ý kiến nhân dân đầy đủ thì tình trạng diễn ra tại BOT Cai Lậy đã không phức tạp như thời gian vừa qua” - ông Thanh nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng việc lấy ý kiến người nhiều nơi còn hình thức. Ảnh: QH

Tính lại cơ cấu lãnh đạo HĐND

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến là vấn đề cơ cấu nhân sự cho HĐND.

Theo báo cáo giám sát, chủ tịch của HĐND 63 tỉnh, thành có 24 người là ủy viên Trung ương, bí thư Tỉnh/Thành ủy; một là ủy viên Trung ương dự khuyết, phó bí thư Tỉnh ủy; một là ủy viên Trung ương dự khuyết, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 25 người là phó bí thư và bảy người chỉ là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Về phó chủ tịch HĐND: Có 123 người, trong đó 59 người là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh/Thành ủy, 60 người là ủy viên Tỉnh/Thành ủy và bốn người không tham gia cấp ủy địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có đánh giá về việc bố trí cán bộ lãnh đạo của HĐND vì thực tế cho thấy khi lãnh đạo của HĐND là bí thư, phó bí thư hay tham gia Thường vụ Tỉnh/Thành ủy thì hoạt động của HĐND đó được coi trọng, thực chất và hiệu quả hơn.

“Có tới bảy đồng chí chủ tịch HĐND chỉ tham gia cấp ủy, không tham gia Thường vụ Tỉnh/Thành ủy. Có đến bốn phó chủ tịch HĐND không tham gia cấp ủy. Trưởng ban pháp chế của HĐND các tỉnh cũng nằm trong tình trạng không tham gia cấp ủy. Có một nghịch lý, nếu là cấp ủy thì là đại biểu HĐND không chuyên trách và nếu là chuyên trách thì không cấp ủy. Như vậy rất khó để HĐND hoạt động” - bà Nga nói.

Bà Nga lấy ví dụ Ban Pháp chế HĐND có trách nhiệm giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan như công an, tòa án, VKS. Trong khi người đứng đầu các cơ quan bị giám sát đều trong Ban Thường vụ Tỉnh/Thành ủy hoặc tham gia cấp ủy địa phương. “Nếu bố trí một người không tham gia cấp ủy làm trưởng Ban Pháp chế thì liệu có giám sát một cách hiệu quả đối với cơ quan đó không?” - bà Nga đặt câu hỏi.

Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc bố trí nhân sự phó chủ tịch, trưởng các ban của HĐND không tham gia cấp ủy như thế là làm thấp vai trò của HĐND. “Tôi đề nghị phải xem xét lại. Bình thường giám đốc sở đã là cấp ủy viên rồi mà phó chủ tịch HĐND lại không phải cấp ủy thì vai trò của HĐND như thế nào?” - ông Thanh nói.

Cùng nội dung, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Có một điều mà báo cáo giám sát chưa nói ra được đó là tâm lý, nhận thức đối với vai trò của cơ quan dân cử đã đúng chưa, có xem nhẹ không”.

Theo bà Ngân, vai trò của QH đến nay không còn nhận thức nhẹ nhưng vai trò của HĐND ở địa phương còn xem nhẹ.

“Tôi biết đoàn giám sát biết việc này nhưng không nói. Qua việc bố trí cán bộ này, qua phát ngôn của lãnh đạo địa phương là có việc xem nhẹ” - Chủ tịch QH nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm